Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

Việt Nam con đường xanh (12)



VIỆT NAM CON ĐƯỜNG XANH
Những thực tiễn nhức nhối
Hoàng Kim


Diện tích lúa bỏ hoang vì sản xuất không hiệu quả trong 12 tháng liên tục khoảng 40.000 ha
, trong đó 17.413,6 ha đất lúa bị bỏ hoang do sản xuất không hiệu quả (Nguồn: Phân tích và dự báo thị trường). Làm lúa mỗi ngày thu nhập 2.000đ/sào. Hai sắc thái của ruộng hoang: [Bài II] Khi đồng ruộng không khác viện dưỡng lão (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam ). “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”. Đắng lòng nhớ lại câu ca dao Việt, tôi lần đọc lại “Đào Thế Tuấn chân dung người Thầy” trích đọc Đào Thế Tuấn trang văn gửi lại. Chừng nào người dân nông thôn chưa thay đổi được số phận của mình thì chừng đó bài toán kinh tế chưa khai mở được tiềm lực nông nghiêp nông dân nông thôn. xem tiếp https://hoangkimlong.wordpress.com/…/viet-nam-con-duong-xa…/

Giáo sư Viện sĩ Đào Thế Tuấn có nhiều trước tác gửi lại nhưng theo ý chúng tôi thì có bốn tài liệu rất ngắn và rất đáng quan tâm: Một là bài viết “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những vấn đề không thể thiếu trong phát triển bền vững”. Hai là bài nói “Đừng để nông dân thêm yếu thế trong cơ chế thị trường” GSVS. Đào Thế Tuấn trả lời phỏng vấn Báo VietNamNet ngày 30 tháng 3 năm 2008, Hà Yên thực hiện. Ba là bài nói “Phải xây dựng xã hội dân sự ở nông thôn” Giáo sư viện sĩ Đào Thế Tuấn trả lời phỏng vấn Tuần Việt Nam (trích dẫn nguồn IPSARD ngày 7.7.2009, Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Đoan Trang thực hiện) nhân sự kiện ĐSQ Pháp ở Hà Nội đã tổ chức lễ trao Huân chương hạng nhất của Chính phủ Pháp cho Giáo sư. Bốn là bài nói ‘Bài toán “tam nông” thời kỳ đô thị hóa’ GS-VS Đào Thế Tuấn trả lời phỏng vấn Báo Thể thao & Văn Hóa do Nguyễn Yến thực hiện trong bài viết ‘Anh hùng nông học giữa Hà thành’ ngày 2. 8. 2010.
Vì giá trị của những lời tâm huyết, chúng tôi xin dẫn nguyên văn mà không bình luận:

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn – những vấn đề không thể thiếu trong phát triển bền vững
Đào Thế Tuấn
Viện sĩ, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Ở nước ta, phát triển nông nghiệp có liên quan mật thiết đến tính bền vững của sự phát triển. Nếu khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng tăng, phân hóa xã hội quá mức thì dù có đạt được sự tăng trưởng cao chưa thể coi là đã có phát triển. Hơn thế nữa, nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề tuy khác nhau, nhưng nếu không cùng được giải quyết một cách đồng bộ thì không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước một cách thành công được.

1 – Vấn đề nông nghiệp
Hiện nay, có ý kiến cho rằng, nông nghiệp nước ta đã phát triển tương đối tốt. Đặc biệt, chúng ta xuất khẩu được nhiều nông sản trong điều kiện giá lương thực và nông sản thế giới đang tăng. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy, vẫn còn nhiều bất cập khiến chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của nông nghiệp. Tỷ trọng của nông nghiệp trong sản phẩm quốc nội (GDP) giảm dần, nhưng không có nghĩa là vai trò của nông nghiệp ngày càng giảm. Thực tế cho thấy, Hoa Kỳ và Pháp, hai nước có nền công nghiệp phát triển vào bậc nhất thế giới cũng là hai nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Ngược lại, các nước Đông Á, vốn được coi là giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp song song với công nghiệp hóa, thì hiện nay phải nhập khẩu lương thực và nông sản ngày càng nhiều, vì nông nghiệp đã giảm sút nghiêm trọng(1). Việc các nước đã phát triển đang phải trợ cấp cho nông nghiệp rất nhiều làm cho các nước đang phát triển gặp không ít khó khăn là cái giá phải trả cho việc đã không chú ý đến nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa.

Các nước đang phát triển hiện nay có dư lượng lao động nông thôn quá cao, và ngày càng tăng. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, dự báo vào năm 2020, nông nghiệp trong GDP còn 5%, lao động nông nghiệp còn 35% và lao động nông thôn còn 45%. ở nước ta, theo dự báo của chúng tôi, cũng vào năm ấy, nông nghiệp trong GDP sẽ còn 10%, lao động nông nghiệp vẫn còn 23%. Như vậy, ngay khi đã công nghiệp hóa thành công, vai trò của nông nghiệp ở các nước đang phát triển vẫn còn cao, về thực chất vẫn còn là nước công – nông nghiệp. Do vậy, chúng ta không thể sao nhãng việc phát triển nông nghiệp, mà phải coi nó như một trong những mục tiêu trọng tâm của phát triển kinh tế.

Vấn đề lớn của nông nghiệp nước ta sau thời kỳ đổi mới là chất lượng nông sản còn thấp, vì chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, quy mô sản xuất nhỏ nên giá thành cao, năng suất lao động thấp. Muốn tăng giá trị nông sản, cần cải tiến chất lượng sản phẩm bằng cách phát triển các sản phẩm có xuất xứ địa lý, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm quốc tế và sản phẩm hữu cơ. Để làm được việc này, cần xây dựng một thể chế quản lý chất lượng nông sản đi đôi với việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Thể chế thị trường nông sản, nếu chủ yếu chỉ dựa vào quan hệ nông dân – doanh nghiệp theo kiểu hợp đồng nông nghiệp sẽ dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp chế biến và lưu thông. Nông dân, những người sản xuất trực tiếp vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Muốn giải quyết tình trạng này, phải phát triển các hợp tác xã bao gồm cả hoạt động chế biến và buôn bán, lưu thông thì việc phân phối thu nhập mới được công bằng. Nhà nước không thể trợ giúp nông dân thông qua các doanh nghiệp nhà nước, vì thu lợi nhuận là mục tiêu chính và trước hết của doanh nghiệp, bởi vậy, phải thực hiện các hỗ trợ của Nhà nước thông qua các dịch vụ công. Hiện nay, các dịch vụ công phục vụ phát triển nông nghiệp còn yếu, đặc biệt các hộ nghèo ít được hưởng lợi. Chúng ta đã xây dựng được một số hệ thống cung cấp dịch vụ công do các tổ chức nông dân thực hiện cùng với Nhà nước và thị trường, cho phép nâng cao hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ cho nông dân, tới đây cần nhân rộng các mô hình này.
Một vấn đề khác là, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp đang tăng mạnh, giá nông sản không theo kịp, nông dân không còn hăng hái với sản xuất nông nghiệp, lao động nông thôn đang bỏ ra đô thị kiếm việc làm, lao động nông nghiệp đang bị nữ hóa, già hóa và chuyển từ thâm canh sang quảng canh, chăn nuôi và nghề phụ đang bị giảm sút… Giá một số nông sản như lúa mì, ngô, đậu tương đang tăng rất nhanh trên thị trường thế giới mà chúng ta vẫn nghĩ đến việc nhập khẩu, không nhân cơ hội này để phát triển sản xuất trong nước. Nông thôn đang có xu hướng quay trở về độc canh cây lúa, từ bỏ việc đa dạng hóa sản xuất. Trong điều kiện này, chúng ta thiếu các biện pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thiếu biện pháp để tăng năng suất lao động. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực và thực phẩm như các nước công nghiệp mới ở Đông á và Đông – Nam á. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong thế kỷ XXI, thế giới sẽ thiếu lương thực, đây có phải là một thời cơ cho chúng ta phát triển nông nghiệp không?

Khoa học – kỹ thuật phục vụ nông nghiệp nước ta chưa phát triển. Các câu hỏi của công nghệ nông nghiệp thế kỷ XXI như vấn đề hướng công nghệ sinh học bảo đảm các nguy cơ đối với sức khỏe của con người và môi trường, vấn đề nông nghiệp hữu cơ với dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường nông sản thế giới, vấn đề phòng chống hiện tượng nóng lên của khí quyển, nước biển dâng cao làm ngập các đồng bằng – vốn được coi là những vựa lúa của nước ta, vấn đề nông nghiệp chính xác áp dụng công nghệ định vị, vấn đề nông nghiệp thẳng đứng hay không đất để giải quyết vấn đề thiếu đất và bảo vệ môi trường…., hầu hết vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Các vấn đề biến đổi khí hậu và rủi ro trong nông nghiệp ngày càng tăng, mà chúng ta chưa có các biện pháp bảo vệ nông nghiệp, chống thiên tai và rủi ro. Hệ thống bảo hiểm chống thiên tai và rủi ro mặc dù phức tạp, nhưng không phải không có cách thực hiện được.

Chúng ta cũng chưa có một chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, hiện đại hóa nông nghiệp như thế nào trong điều kiện đất ít, người đông, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp.

2 – Vấn đề nông dân
Một thực tế là, nông dân còn quá nghèo, việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn nên chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn rất cao. Nông dân là bộ phận công dân ít được hưởng phúc lợi xã hội, nhất là về giáo dục, y tế. Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản như: bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường, bảo hiểm xã hội. Theo kinh nghiệm của các nước, không thể chỉ giải quyết các vấn đề xã hội của nông thôn bằng các biện pháp thị trường.

Nông dân thiếu việc làm ở nông thôn phải di cư ra thành thị để tìm việc, làm thuê với giá lao động rất thấp và bị đối xử như “công dân loại hai”, mặc dù họ là động lực chủ yếu của công cuộc đổi mới. Chưa có một quy hoạch chuyển đổi cơ cấu lao động, rút lao động ra khỏi nông thôn và nông nghiệp. Nông dân tham gia thị trường lao động nhưng không được đào tạo nghề, không được Nhà nước hỗ trợ như trước kia đã làm trong các chương trình kinh tế mới. Do vậy, cần có một hệ thống biện pháp đồng bộ giúp đào tạo nông dân, đó chính là biện pháp để xây dựng giai cấp công nhân mới. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp cho lớp người này không trở thành “vô sản lưu manh”, kéo theo đó là tội phạm và tệ nạn xã hội.

Một điều tối quan trọng là, quyền lợi của nông dân chưa được bảo vệ vì thiếu nghiệp đoàn nông dân. Nông dân là bộ phận yếu thế nhất, không có quyền mặc cả trên thị trường, nên quan hệ giữa thương nghiệp với nông dân đang diễn ra thiếu công bằng. Nông dân còn thiếu chủ quyền về đất đai, bị mất đất mà không có ai bênh vực. Việc đầu cơ ruộng đất làm giá bất động sản lên cao một cách giả tạo, nhưng nông dân cũng không được hưởng lợi gì từ việc này. Tình trạng này có nguyên nhân từ sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước. Ngay ở một số nước có sở hữu đất tư nhân, nhà nước vẫn kiểm soát việc sử dụng đất một cách chặt chẽ.

Để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả và năng suất lao động cao, con đường đúng đắn không phải là xóa bỏ kinh tế hộ nông dân, phát triển trang trại, mà là tổ chức hợp tác xã kiểu mới có chế biến nông sản và buôn bán chung nhằm mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện thương nghiệp công bằng. Hiện nay, chúng ta đang thiếu một hệ thống dịch vụ trợ giúp cho nông dân xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, bắt đầu từ việc xây dựng các tổ hợp tác để tiến lên hợp tác xã. Đây là biện pháp cơ bản để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình nông dân, bắt đầu từ “Khoán 10”, chuyển hộ nông dân thành nông trại gia đình như ở các nước tiên tiến.

Thế nhưng, hạn chế cố hữu của nông dân ở nước ta là tính thụ động, chờ đợi sự hỗ trợ, trừ một số vùng đặc biệt có vốn xã hội cao. Hiện nay, có nhiều vùng nông dân rất năng động nhưng chúng ta chưa thực hiện được việc tổ chức nghiên cứu các trường hợp ấy để có thể chuyển giao tính năng động sang các vùng khác.

3 – Vấn đề nông thôn
Trong quá trình đổi mới, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa nhau, do chưa có chiến lược đổi mới hiệu quả.

Nông nghiệp mâu thuẫn với phát triển nông thôn. Các vùng phát triển nông nghiệp mạnh thì không chuyển đổi được cơ cấu kinh tế nông thôn, không tạo thêm được việc làm và không tăng nhanh thu nhập của nông dân. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn không thuận lợi cho việc nâng cao năng suất lao động nông thôn và tăng thu nhập của nông dân. Việc để nông dân đi bán sức lao động ở nơi khác với giá rẻ mạt, việc không có quy hoạch lao động, đã dẫn đến nhiều vùng thiếu lao động và giá lao động tăng mạnh.

Mức đóng góp của nông dân, nông thôn cao, phúc lợi cung cấp cho nông dân lại thấp, nông dân còn ít được hưởng lợi về đầu tư kết cấu hạ tầng và các nguồn cung cấp phúc lợi của Nhà nước.

Từ các hộ nông dân đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ: nông trại gia đình, doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ từ các làng nghề, nhưng các doanh nghiệp này không được các chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ. Nông thôn còn thiếu các thể chế dựa vào cộng đồng như hợp tác xã và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân để phụ trách việc cung cấp các dịch vụ công.

Một vấn đề nữa còn gây nhiều bức xúc là môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nên có các chương trình bảo vệ môi trường gắn liền Nhà nước, doanh nghiệp và các cộng đồng nông thôn cùng thực hiện việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu giao việc bảo vệ môi trường cho các tổ chức nông dân thì có thể biến việc bảo vệ môi trường trở thành những hoạt động kinh tế tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Việc phát triển du lịch nông thôn cũng góp phần nâng cao được chất lượng môi trường.

Nông thôn còn thiếu mạng lưới an sinh xã hội, trong khi thu nhập tương đối giảm nhanh. Việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội phải gắn liền với hoạt động tương trợ, với các tổ chức nông dân. Ở Pháp, từ một tổ chức bảo hiểm tương trợ đã phát triển lên thành một công ty bảo hiểm quốc tế lớn nhất châu Âu, từ một quỹ tín dụng nông nghiệp thành một ngân hàng giàu nhất châu Âu. Các tổ chức này vẫn là tổ chức tập thể của nông dân.

Các nguyên nhân gây cản trở cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn không thể chỉ giải quyết bằng các biện pháp tình thế, mà có thể phải thay đổi ngay từ trong đường lối cải cách kinh tế – xã hội. Có thể thấy, cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa tự do mới, quá đề cao kinh tế thị trường và sớm đồng thuận với sự rút lui của nhà nước trong quản lý, thiếu cải cách xã hội. Đó là lý do chính làm cho khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa nhau. Thêm vào đó, chúng ta lại đang dựa vào ưu thế cạnh tranh trong việc phát triển công nghiệp và dịch vụ để thu hút đầu tư nước ngoài là giá lao động rẻ, giá đất rẻ và giá môi trường rẻ. Do đó, mục tiêu của việc tăng trưởng nhanh dựa vào các ưu thế cạnh tranh này đã mâu thuẫn với các mục tiêu của phát triển nông thôn. Việc thu hút quá nhiều đầu tư nước ngoài sẽ dẫn đến sự phụ thuộc chính trị và phát triển không bền vững, gây khó khăn cho các thế hệ sau vì phải gánh nợ tích lũy từ các thế hệ trước. Mặt khác, chúng ta còn thiếu một nền kinh tế mang tính xã hội, và các doanh nhân xã hội thì không thể thực hiện được việc cải cách xã hội. Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện. Cần có một đường lối xã hội hóa công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hóa với thị trường hóa và tư nhân hóa. Xã hội hóa là huy động sự tham gia của quần chúng. Phát triển mạnh xã hội dân sự để huy động quần chúng tham gia vào sự phát triển chính là áp dụng truyền thống quan điểm quần chúng của Đảng.

Để giải quyết các vấn đề trên, cần có một hệ thống biện pháp phát triển nông thôn có hiệu lực, theo chúng tôi, đó là:

– Nhà nước cần có chính sách phát triển nông thôn toàn diện, không chỉ tập trung vào nông nghiệp. Việc phát triển nông thôn là công việc của hầu hết các bộ chứ không phải chỉ riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, chúng ta đã có Hội Khoa học phát triển nông thôn để huy động lực lượng quần chúng giúp nhà nước và doanh nghiệp thực hiện công việc này. Chúng ta đang được các tổ chức quốc tế và trên 399 tổ chức phi chính phủ hỗ trợ việc phát triển nông thôn, nhưng chúng ta không biết họ đang làm gì để hợp tác một cách chặt chẽ. Hội Khoa học Phát triển nông thôn đang cố gắng xây dựng cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn và xây dựng một trung tâm cung cấp dịch vụ phát triển nông thôn hoạt động theo nguyên tắc của một doanh nghiệp mang tính xã hội, giống như một mô hình kiểu mới chưa có ở nước ta nhưng rất phổ biến ở các nước…

– Nhà nước phải hỗ trợ việc tăng cường năng lực cho các cộng đồng nông thôn để nông dân có thể tham gia vào việc phát triển nông thôn. Xây dựng các thể chế nông thôn dựa vào cộng đồng: hợp tác xã và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân. Cần tổng kết các sáng kiến mới đang xuất hiện ở nông thôn như việc phát triển các cụm nông nghiệp và công nghiệp, việc hình thành các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, việc phát triển du lịch nông thôn, việc áp dụng công tác khuyến nông kinh tế xã hội và tư vấn quản lý nông trại, việc đào tạo nông dân, không những để sớm có những “nhà nông” chuyên nghiệp có trình độ sản xuất, kinh doanh tiên tiến, mà còn gắn bó lâu bền với nông thôn…/.”

(1) Phi-lip-pin là một nước nông nghiệp, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã dành quá nhiều diện tích canh tác cho phát triển đô thị và khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là có quá nhiều sân golf, nay đang “đau đầu” vì thiếu lương thực một cách trầm trọng.

Đừng để nông dân thêm yếu thế trong cơ chế thị trường
GSVS. Đào Thế Tuấn trả lời phỏng vấn Báo VietNamNet,30/03/2008, Hà Yên thực hiện “Đừng để nông dân thêm yếu thế trong cơ chế thị trường”.

“Có một sự hiểu nhầm rằng, phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn là một, và Chính phủ giao Bộ NN-PTNT lo về phát triển nông thôn. Trên thực tế, Bộ này chưa làm được gì nhiều cả. Ngày trước, việc phát triển nông thôn do Bộ máy bên Đảng làm, có Ban Nông nghiệp TƯ lo tất cả các vấn đề về nông thôn như cải cách ruộng đất, hợp tác hoá, xây dựng nông thôn như thế nào…, được cụ thể trong Chỉ thị 100, Nghị quyết TƯ 10… Bây giờ, đưa nông thôn về Bộ NN-PTNT, trong khi Bộ hầu như chỉ lo phát triển sản xuất và phòng chống thiên tai, mà lẽ ra phòng chống thiên tai là do Bộ Tài nguyên – Môi trường phải làm. Nên mỗi lần có thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTTN lại phải chạy khắp các địa phương để chỉ đạo, không có thì giờ để lo phát triển nông thôn.

Thứ hai ở Việt Nam có sự hiểu nhầm về chuyện phát triển nông nghiệp tốt thì phát triển nông thôn tốt vì nông nghiệp đi lên kéo theo nông thôn phát triển. Thực tế không phải như vậy. Nông nghiệp là ngành sản xuất còn nông thôn là lãnh thổ. Hầu như tất cả các bộ, ngành của ta đều có bộ phận lo về nông thôn, như Giáo dục, Y tế rồi LĐ-TBXH… Vậy tại sao lại giao cho một bộ phụ trách cả công việc lớn như vậy?… Hiện nay, trong phát triển nông thôn có hai vấn đề lớn: ruộng đất và lao động, nhưng Bộ NN-PTNT lại không được quản lý.”

”Giảm thủy lợi phí và nhiều khoản thuế khác tất nhiên là tốt rồi nhưng cái đó không phải là chính . Ở Trung Quốc, thu nhập của người dân thành thị cao hơn nông thôn 3,6 lần . Họ cho rằng đó là mới tính thu nhập bằng tiền chứ chưa tính phúc lợi là giáo dục và y tế . Nếu cộng cả hai yếu tố này , khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn thành thị Trung Quốc là hơn 5 lần. Con số này ở Việt Nam hiện là 2,6 lần. Nếu tình hình vẫn như hiện nay thì sẽ giống như Trung Quốc. Theo tôi muốn giải quyết được vấn đề phúc lợi không thể làm theo kiểu kinh tế thị trường. Bây giờ Việt Nam đang lẫn lộn giữa xã hội hóa, thị trường hóa và tư nhân hóa . Nếu muốn làm phúc lợi cho nông dân phải xã hội hóa . Xã hội hóa thực chất là bắt dân đóng tiền thôi. Xã hội hóa là cả xã hội phải lo công việc đó”.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay về thực chất là vấn đề phát triển bền vững . Nếu công cuộc đổi mới của nước ta dẫn đến một sự phân hóa xã hội quá mức, tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thì sự phát triển sẽ không bền vững. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề khác nhau, song nếu không cùng được giải quyết một cách đồng bộ thì không thể CNH-HĐH đất nước một cách vững chắc được.

“Phải xây dựng xã hội dân sự ở nông thôn”
Giáo sư viện sĩ Đào Thế Tuấn trả lời phỏng vấn Tuần Việt Nam (trích dẫn nguồn IPSARD ngày 7.7.2009, Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Đoan Trang thực hiện) nhân sự kiện ĐSQ Pháp ở Hà Nội đã tổ chức lễ trao Huân chương hạng nhất của Chính phủ Pháp cho Giáo sư.

“Tôi không đồng ý với cách nói “phát triển nông nghiệp vì chúng ta có lợi thế về nông nghiệp”. Nông nghiệp là ngành mà chúng ta phải duy trì và phát triển, không phải vì lợi thế cạnh tranh nào cả, mà vì phát triển nông nghiệp là chuyện bắt buộc phải làm, không là chết, vậy thôi. Người ta đã tính rằng đến năm 2050, thế giới cần lương thực gấp đôi hiện nay, đến cuối thế kỷ thì nhu cầu tăng gấp ba. Nếu cung lương thực cho thế giới thiếu thì giá chắc chắn sẽ tăng lên. Nói cách khác, nếu để mất an ninh lương thực thì sẽ phải nhập khẩu để sống sót, mà nhập khẩu thì càng ngày càng đắt. Việt Nam có 86 triệu dân, con số không hề nhỏ. Phải xây dựng được nền nông nghiệp ít nhất là bảo vệ được an ninh lương thực của nước nhà, còn nếu biết làm tốt hơn thì càng có lợi về kinh tế. Nhìn từ góc độ chính trị – xã hội, nông dân Việt Nam là những người ít được hưởng lợi từ đổi mới nhất. Nông dân còn quá nghèo, ít được hưởng phúc lợi xã hội (giáo dục, y tế…), thiếu việc làm ở nông thôn và buộc phải di cư ra thành phố làm thuê với giá lao động rẻ mạt. Nông dân đang bị bần cùng hóa, và đó là nguy cơ gây bất ổn xã hội. Như ở Trung Quốc bây giờ, bạo loạn ở nông thôn xảy ra nhiều lắm, ấy là hậu quả của sự bần cùng hóa nông dân.”

“Quá trình công nghiệp hóa ở các nước không giống nhau. Thế kỷ 17-19, các nước tư bản dùng nguồn lợi bóc lột từ hệ thống thuộc địa để làm công nghiệp hóa, ví dụ Anh, Pháp là theo cách này. Nước nào không có thuộc địa, như Đức, thì gây chiến để giành lấy thuộc địa. Thế kỷ 20, Liên Xô sau khi tiến hành Cách mạng Tháng Mười, không có nguồn lực để công nghiệp hóa nên họ buộc phải dùng nông nghiệp để làm công nghiệp. Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông cũng vậy, bóc lột nông dân, vắt kiệt nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp. Và Việt Nam ta bây giờ đang diễn lại đúng kịch bản đó”. Chúng ta tuy không có một chủ trương nào nói rằng phải dùng nông nghiệp để nuôi công nghiệp nhưng thực tế đang cho thấy đúng như vậy đó. Tất cả những câu “nông dân là lực lượng cách mạng”, “nông dân là những người khởi xướng Đổi mới”, “phải biết ơn nông dân”, “phải ưu tiên phát triển hợp lý nông nghiệp”, tôi cho đều là mị dân cả. Trên thực tế, nông nghiệp đang bị lép vế, nông dân thua thiệt đủ bề. Đó là hậu quả của việc bóc lột nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp hóa. Tôi nói cách khác, việc nông thôn, nông nghiệp Việt Nam bây giờ kém phát triển hoàn toàn là do cơ chế, do đường lối, quyết định của lãnh đạo mà thôi.”

“Từ kinh nghiệm chung của thế giới, tôi thấy là nếu anh làm quản lý ruộng đất tốt thì còn đất nông nghiệp tăng thêm, còn thừa đất ấy chứ. Tình trạng mất đất nông nghiệp ở ta là do đầu cơ mà ra cả. Nói sâu xa hơn thì do cách quản lý của ta là quản lý để đầu cơ. Ngay xung quanh Hà Nội đây này, tôi biết có nhiều nơi, người ta xây những ngôi mộ giả để găm đấy, chờ khi nào chính quyền lấy đất thì sẽ được đền bù.Bây giờ có lắm ý kiến nói tới việc tăng hạn điền cho nông dân. Tôi thì tôi cho rằng nhiều người nói vậy vì họ có quyền lợi liên quan tới việc đầu cơ ruộng đất. Hạn điền ở nước ta không thấp. Ngay Hàn Quốc cũng chỉ có 3 hécta, Nhật Bản 10 hécta. Mở rộng thêm để làm gì, chỉ tạo điều kiện cho đầu cơ phát triển thêm”.

“Vấn đề sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp cũng vậy, đang được đặt ra, nhưng theo tôi là không cần thiết. Ở Việt Nam, quyền sử dụng đất còn rộng hơn quyền sở hữu đất ở Pháp. Có tập trung ruộng đất trong tay địa chủ thì cũng không đẻ ra sản phẩm. Ở nhiều nước đang phát triển, phải tồn tại nông dân nghèo không ruộng đất thì mới có người làm thuê. Ví dụ như ở Brazil, nông dân biến thành thợ. Họ ở thành phố, hàng ngày về nông thôn làm việc rồi chiều tối lại lên thành phố.”

“Thu nhập thấp, mất đất, không có việc làm. Khoảng cách thu nhập, chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn là rất lớn. Nông dân ở nông thôn không được tiếp cận rộng rãi với giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, không có tích lũy. Nhà có người ốm đi viện một lần là của cải mất hết, trắng tay. Thêm một đứa con đi học xa, học lên cao là cả nhà lao đao. Việc làm cho nông dân là vấn đề nghiêm trọng đối với Việt Nam và cũng là vấn đề lớn với thế giới. Nhìn chung, thế giới càng công nghiệp hóa càng thừa lao động, bởi vì công nghiệp và dịch vụ sử dụng lao động ít hơn nông nghiệp. Nói cách khác, công nghiệp và dịch vụ không thể “nuốt” hết số lao động dôi dư. Thừa lao động nông nghiệp là một trong các kết quả của quá trình phát triển. Ở ta, nông thôn thừa khoảng 50% lao động, nhưng lại không phải là kết quả của sự phát triển công nghiệp, mà do họ làm nông nghiệp thì không có đất, không làm nông nghiệp thì chẳng biết dùng họ vào việc gì. Xuất khẩu lao động cũng chỉ là giải pháp tình thế thôi. Hiện giờ Âu châu hạn chế nhận lao động nước ngoài. Trung Cận Đông, Hàn Quốc và Malaysia bình thường vẫn nhận nhiều lao động di cư vì họ đang có nhu cầu phát triển, nhưng nay khủng hoảng, họ cũng gặp khó khăn. Tóm lại, thất nghiệp đang là bài toán không giải quyết được ở nhiều nước. Nông dân đang phải chịu gánh nặng cho toàn xã hội. Tôi nhấn mạnh: Lao động thừa ở nông thôn là vấn đề của toàn xã hội, cho nên cả xã hội phải góp vào mà lo chứ không chỉ Bộ NN&PTNT hay Bộ LĐ&TBXH đâu”.

Có cách nào để nâng thu nhập, từ đó nâng mức sống cho người ở nông thôn không?
Tôi cho rằng đa dạng hóa sinh kế là chìa khóa để tăng thu nhập cho nông dân. Không thể chỉ làm nông được. Nói vui, tôi biết có làng ở Nam Sách (Hải Dương), cả làng bao nhiêu hiệu làm tóc.Thật ra, ở nông thôn, có nhiều việc lắm nhưng không ai giúp nông dân làm, không ai hướng dẫn cho họ cả. Chúng tôi đang tìm cách xây dựng một cơ chế để giúp nông dân đa dạng hóa sinh kế.Du lịch nông thôn chẳng hạn. Việt Nam cũng đã có du lịch nông thôn, nhưng triển khai chưa tốt, trong khi nếu làm tốt, thu nhập của mỗi nông dân có thể tăng gấp đôi. Ví dụ ở Sapa có nhiều các điểm du lịch bán vé, nhưng tiền bán vé chính quyền và doanh nghiệp đầu tư hưởng hết, dân địa phương chẳng được gì. Dân bị coi như kẻ ăn bám vào du lịch ở địa phương, ngày ngày sống nhờ bán đồ lặt vặt cho khách.Họ không được tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn ở địa phương, trong khi nếu hoạt động này phát triển và thu hút họ thì sẽ bảo vệ được cả văn hóa lẫn sinh thái, môi trường địa phương.Tôi còn được biết, ở Huế, nhiều nhà vườn đóng cửa với khách du lịch, bởi vì họ chẳng thu được gì, tour du lịch lấy hết rồi.Ở Hội An, tôi hỏi dân sao không tổ chức kinh doanh du lịch bằng cách cho khách thuê nhà dân ở, kiểu “home-stay”, họ bảo không được phép. Chính quyền yêu cầu nếu dân làm “home-stay” thì phải đảm bảo trang thiết bị vệ sinh, máy điều hòa. Như thế, tiền đâu mà nông dân làm? Ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiều vùng cây ăn trái, tour du lịch đưa khách đi thăm, nhưng khách chỉ ngắm thôi chứ có mua về được đâu, làm sao bảo quản được mà mang về. Thế nên dân đem trái cây ra chợ bán còn thu được tiền hơn.”

“Ở Pháp, doanh nghiệp mua súp lơ của nông dân với giá 1 Franc (đồng nội tệ của Pháp trước khi chuyển sang sử dụng Euro), rồi đến khi vào siêu thị, giá súp lơ đã tăng lên 12 Franc. Như thế là bóc lột nông dân lắm.”Có nhiều việc để làm lắm nhưng không ai hướng dẫn nông dân làm cả”. GS.VS. Đào Thế Tuấn cho rằng phát triển xã hội dân sự chính là cơ chế để hướng dẫn người nông dân đa dạng hóa sinh kế.Nông dân Pháp bèn lập chợ nông thôn ngay giữa thủ đô Paris để bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng, tránh được hệ thống thu mua ở giữa.Tôi thấy các nước tiên tiến bây giờ người ta tẩy chay hệ thống doanh nghiệp buôn bán. HTX chiếm 50% công việc, tư thương chiếm 50% lĩnh vực phân phối nông sản là tốt nhất.Theo tôi, doanh nghiệp chỉ nên thực hiện khâu chế biến cao cấp, còn thu gom, buôn bán, nông dân tự làm được. Có như thế, doanh nghiệp mới mất thế độc quyền.Chứ như bây giờ ở ta, nông dân không có quyền mặc cả với tư thương. ĐBSCL chẳng hạn, nông dân trồng lúa chất lượng cao hơn trước nhưng giá bán ra thì vẫn như thế.

Vậy, tôi xin mượn lời một danh hài, “thế thì người nông dân phải làm gì”? Vấn đề quan trọng nhất của phát triển là phải có sự tham gia của cộng đồng, của người dân. Các tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam đều nói rằng nông thôn Việt Nam không có cộng đồng.Tôi nghĩ không hoàn toàn như vậy. Ngày xưa, chúng ta đã có cộng đồng làng xã, thôn xóm đấy thôi, mà đại diện là những lý trưởng, xã trưởng. Bây giờ thì chỉ còn mấy ông bà cán bộ – ông bí thư, chủ tịch xã, chủ tịch hợp tác xã, bà tổ trưởng phụ nữ… Người dân chẳng được tham gia gì cả.Chúng ta cần phải hướng dẫn, phải tạo cơ chế để giúp nông dân tổ chức lại được với nhau, xây dựng các doanh nghiệp xã hội (social entrepreneur). Nhà nước không thu thuế đối với họ. Dĩ nhiên, họ cũng có một mức lãi nào đó, nhưng về bản chất, họ là một hệ thống các tổ chức chăm lo phát triển xã hội. Hệ thống đó là một phần của xã hội dân sự. Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện, cần có một đường lối xã hội hóa công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hóa với thị trường hóa và tư nhân hóa. Xã hội hóa là huy động sự tham gia của xã hội, của quần chúng.Tóm lại, điều quan trọng chúng ta cần làm ở nông thôn bây giờ là xây dựng xã hội dân sự.”

Bài toán “tam nông” thời kỳ đô thị hóa
GS-VS Đào Thế Tuấn trả lời phỏng vấn Báo Thể thao & Văn Hóa do Nguyễn Yến thực hiện trong bài viết ‘Anh hùng nông học giữa Hà thành’ ngày 2.8.2010

“Mô hình đô thị hóa hiện nay đang phổ biến ở châu Á không phải là phát triển các siêu đô thị (trên 8 triệu dân) mà là mô hình đô thị hóa phi tập trung bao gồm các thị trấn và thị tứ nhỏ có một vành đai nông nghiệp bao quanh. Hà Nội cần phát triển theo mô hình này”, GS-VS Đào Thế Tuấn khẳng định…Theo GS-VS Đào Thế Tuấn, việc điều chỉnh lại tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết các mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn trong vấn đề đất đai và lao động. Việc xây dựng các khu công nghiệp quá nhanh và đô thị hóa quá nhanh sẽ là một sự lãng phí lớn trong lúc chưa có một hướng công nghiệp hóa mới. Nhiều đô thị mới đang ở trong một tình trạng “giả tạo” chưa có tác dụng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cả nền kinh tế. Lấy đất xong, nhưng chưa chuyển đổi được cơ cấu lao động vì chưa chuyển đổi được cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp vẫn sẽ là cứu cánh giúp các nước ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế, nhu cầu lương thực ngày sẽ càng tăng nhanh dù có khủng hoảng kinh tế hay không. Theo dự báo, dân số thế giới hiện nay là 6,8 tỷ người, vào năm 2050 sẽ là 9,1 tỷ người và nhu cầu thực phẩm sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Công nghiệp hóa dựa vào nông nghiệp sẽ là mô hình có ưu thế cạnh tranh ở Việt Nam, tạo được sự phát triển bền vững. Du lịch nông thôn cũng là một biện pháp trong phát triển đô thị, nó có thể tăng gấp đôi thu nhập của nông dân, tạo việc làm và thúc đẩy nâng cao chất lượng của nông nghiệp.”.

Đất lúa bỏ hoang vụ mùa vụ đông vì sản xuất kém hiệu quả. Những thực tiễn nhức nhối nhưng người dân biết tìm giải pháp thích ứng phù hợp. Thông tin Lúa Lộc Trời là những tìm tòi cải tiến chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo thật hay. Tôi viết cho anh Dương Đình Tường tác giả "Hai sắc thái ruộng hoang" và anh Dương Văn Chín (Chin Duong) "Lúa Lộc Trời Việt Nam" : Cám ơn anh Dương Đình Tường và anh Dương Văn Chín bài viết thật hay. Hoàng Kim xin chép về trang DẠY VÀ HỌC chung bài VIỆT NAM CON ĐƯỜNG XANH với các bài nghiên cứu và trao đổi trước đây của giáo sư viện sĩ Đào Thế Tuấn. Kinh tế hộ nông dân, những nhức nhối thực tiễn, người dân là chủ thể của sự thay đổi, rất cần sự quan tâm hổ trợ chuyển đổi đúng hướng tăng thu nhập của nông dân, tạo việc làm và thúc đẩy nâng cao chất lượng của nông nghiệp.

Hoàng Kim
xem tiếp https://hoangkimlong.wordpress.com/category/viet-nam-con-duong-xanh/


Tài liệu tham khảo

HAI SẮC THÁI CỦA RUỘNG HOANG
[Bài I] Anh hùng phủ lấm bụi mờ

Dương Đình Tường

Báo Nông nghiệp Việt Nam 23/07/2019, 14:04 (GMT+7)

Như một đám cháy, tình trạng bỏ ruộng hoang đang loang nhanh ra khắp miền Bắc. Thay vì giấu giếm hay dùng những mệnh lệnh hành chính vô nghĩa để ngăn cản thì nên chăng nhìn nhận nó cả dưới góc độ tích cực là tạo tiền đề cho việc tích tụ đất đai để có được những đại điền chủ kiểu mới…

Chuyện về anh nông dân sắm ô tô đi thuê đất trồng chuối, thu 10 tỷ/năm; Những điều trông thấy mà... ngao ngán lòng!; Tiếc đứt ruột hàng trăm hecta 'bờ xôi ruộng mật' bỏ hoang 2 năm nay

Hào quang một thuở Ông Phùng Đức Trình - bảo vệ UBND xã Hợp Thịnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) lách cách tra chìa vào ổ khóa mở cửa hội trường rồi cầm giẻ tỉ mẩn lau lớp bụi đang bám mờ trên khung kính của tấm cờ Anh hùng Lao động tặng cho HTX Hợp Thịnh thủa nào nay đã bợt bạt. Một chút ánh sáng lóe lên trong đôi mắt già nua. Chốc lát ông như được sống lại thời thanh niên sôi nổi của mình 30 năm về trước, khi còn là một nhóm trưởng sản xuất của HTX…


Ông Trình lau bụi cho lá cờ Anh hùng Lao động của HTX Hợp Thịnh.
Thỉnh thoảng ông lại có nhiệm vụ mở khóa như thế để cho các đoàn khách vãng lai vào đây chụp ảnh với lá cờ. "Hồi đó, chúng tôi lao động “thật hạt” vì chẳng có nghề nào khác ngoài làm nông. Đất chật, người đông nên mỗi nhân khẩu chỉ có 1,1 sào ruộng. Nhà tôi 5 người, cấy hai vụ lúa mỗi vụ thu hoạch trên 1 tấn thóc, trồng một vụ ngô đông thu hơn 1,3 tấn hạt. Lúa để người ăn còn ngô để chăn nuôi và bán.

Tôi vẫn nhớ công thợ xây khi ấy là 20.000 đồng tương đương 12 - 13kg thóc còn làm ruộng đến mùa chia thóc cho số ngày trong vụ thu nhập bình quân cũng đạt 5 - 6kg tương đương với 8.000 - 9.000 đồng. Giờ công của thợ xây đã lên 300.000 đồng trong khi thu nhập từ làm ruộng vẫn chỉ 8.000 - 9.000 đồng/ngày, chênh lệch chừng 30 lần mà dịch bệnh mỗi lúc một nhiều, đầu tư cho sản xuất mỗi lúc một cao. Vụ lúa mùa nhiều hộ đã bỏ còn vụ đông thì cả xã bỏ", ông kể.

Chính nhờ vụ ngô đông trên nền đất ướt mà HTX Hợp Thịnh được phong anh hùng, Chủ nhiệm về sau thăng tiến lên thành Chủ tịch tỉnh. Ông Phùng Đắc Thái - nguyên Bí thư xã giai đoạn 1988 - 2005 hồi ức: Trước khoán 10 dân chán ruộng vì không thấy quyền lợi gì ở trong đó, ngày công chỉ có 2 - 3 lạng thóc. Chính quyền mới nghĩ ra cách phân loại lao động A, B, C theo giấy khám sức khỏe do Trạm trưởng Trạm Y tế xã cấp.

A phải cấy 1,2 mẫu, B phải cấy 7 sào còn C chỉ cấy 5 sào. Trong dân cứ râm ran đồn anh này, chị kia giả ốm hoặc biếu xén cái gì đó để xin được xuống hạng B, C. Hồi ấy, ông Thái đang là Phó Chủ nhiệm HTX phụ trách lao động, mỗi tháng phải ký duyệt vào chồng đơn dày cộm của các xã viên nên cũng có nghe phong thanh về chuyện đó nhưng chẳng biết thực hư thế nào.

Mức thu sản nặng nề, nhiều gia đình không thể nộp nên cứ đến mùa số quạt máy, đài, xe đạp, giường tủ, bàn ghế… lại chất đầy kho HTX. Trong giấy tờ của những gia đình này đều bị ghi dòng chữ: “Không chấp hành chủ trương, đường lối của nhà nước” khiến cho con cái họ đi đâu, làm gì cũng khó. HTX khi đó quản lý cả đất ở, đất nông nghiệp lẫn các ngành nghề, quyền hành của Chủ nhiệm còn bao trùm cả Chủ tịch xã.

Đói, đầu gối phải bò. Xã viên lũ lượt trốn đi làm thêm. Đàn ông thì xây, đàn bà thì chạy chợ khiến cho chính quyền phải cắt cử cả một đội bảo vệ đông tới 20 người ngày đêm chốt chặn các trục đường mà cũng không xuể. Kẻ nào chẳng may bị bắt phải viết kiểm điểm, nếu cố tình không chịu lao động phải è cổ đóng nghĩa vụ quy ra tiền tương đương 15 - 20 công. Vợ ông Phó Chủ nhiệm cũng đêm đêm hòa theo dòng người bí mật lẻn sang thị trấn Hương Canh của huyện bên mua chum vại rồi ngược lên tận Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đổi sắn chống đói...

Con bù nhìn cắm trên thửa ruộng hoang ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Khoán 10 như một cây đũa thần biến đổi người nông dân từ ghẻ lạnh sang nặng tình với đất. Mùi bùn non mới ngấu, mùi rơm rạ mới gặt, mùi lúa mới phơi quyến rũ họ hơn bất cứ thứ mùi gì trên đời. Không một thước đất bị bỏ phí. Ngoài hai vụ lúa, dân Hợp Thịnh còn tiên phong sáng tạo nên vụ ngô đông trên nền đất ướt, mở ra một cuộc cách mạng mới về lương thực cho toàn miền Bắc đang đói kém theo công thức sáng gặt lúa, chiều trồng ngô bầu.

Đất ruộng có hạn, ông Phùng Văn Gia ở thôn Thọ Khánh đã thử nghiệm trồng ngô cả dưới…ao. Tát cạn nước, ông cắm bầu xuống bùn nhưng vì ngộ độc nên thân cây cứ còi cọc mãi. Khi thay đổi đủ mọi cách chăm sóc, tình cờ ông phát hiện ra ngâm nước tiểu với tro bếp, kali để bón thì ngô mới chịu được bùn. Vậy là từ đó người người tiết kiệm từng giọt nước tiểu đến mức đi chơi nhà hàng xóm mót đái mấy cũng cố nhịn để dành cho cái vại tro ở nhà mình. Gia đình nào cũng nuôi trâu bò để lấy sức kéo đồng thời khai thác thêm phân, nước tiểu.

Họ tát cạn hết các ao chuôm trong làng, vun bùn thành luống để trồng ngô. Khi có đoàn khách 14 tỉnh thành miền Bắc về tham quan, dân Hợp Thịnh còn bàn với đại biểu Hà Nội rằng: “Hồ Giảng Võ của các bác nhà em cũng có thể trồng ngô được”. Tiếng tăm về vụ ngô đông của xã còn bay cả đến tai đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Sau mỗi vụ, nhà ai cũng mọc lên 5 - 7 “bông hoa ngô” là những thân cây tre được dựng thẳng trên đó ngô buộc cả bắp, lớp lớp, chùm chùm. Hai vụ lúa phải đóng thuế nên chỉ đủ ăn còn vụ ngô đông được miễn là nguồn chi tiêu cho cả gia đình. Có ngô là có quần áo mới, có học phí đóng cho con, có một cái tết ấm no với chai rượu cam, gói mứt, 1 - 2kg thịt bồm (thịt vụn), 1 - 2 lạng chè bồm (chè vụn) cùng 1 - 2 gói chè Hồng Đào giêng hai dành để mừng thọ... 

Ngao ngán nỗi ruộng đồng


Tối hôm ấy tôi ngủ lại nhà lão nông tri điền Nguyễn Văn Hùng ở thôn Tân Thịnh để nghe đầy tai nỗi ngao ngán ruộng đồng. Thủa nào cứ 3h sáng hai bố con đã thức dậy rồi theo xe trâu gà gật ra đồng cày, tối đến lại tranh thủ đeo đèn cấy cố mà giờ vụ này nhà ông Hùng chỉ cấy vài sào ruộng cho đủ ăn. Trưởng thôn Lê Quốc Sơn nhẩm tính thôn có 20/150 mẫu đang bỏ không ở các xứ đồng Lỗ Chối, Sống Mé, Cống Ma…


Phùng Đắc Sơn: "Bà con cứ bỏ hoang ruộng kiểu xôi đỗ, chỗ này một mảnh, chỗ kia một mảnh nên nhiều người gọi cho mượn em cũng đành chịu”

“Làng có láng giềng làng. Đồng có láng giềng đồng”. Những thửa ruộng hoang là nơi trú ngụ của chuột bọ, sâu bệnh để tấn công sang thửa ruộng còn cấy khiến cho vụ sau lại phải cùng bỏ hoang tiếp. Trong chừng 350 lao động nông nghiệp của làng hiện chỉ có 2 người trẻ là Phùng Đắc Sơn và Nguyễn Văn Thành.

Sơn vốn là công nhân nhưng xin nghỉ về làng sắm máy móc, thuê 4ha đất với giá chỗ tốt 50 - 70kg thóc/sào/năm, chỗ xấu 30 - 40kg thóc/sào/năm để trồng ớt, đu đủ và lúa đặc sản. Lăn lộn cùng với thiên tai, dịch bệnh, được mùa mất giá, tính ra lờ lãi cũng được khoảng 200 triệu/năm.

Nở nụ cười rất sáng trên khuôn mặt đen nhẻm, Sơn bảo: “1 lao động nông nghiệp nếu có đủ máy móc phải làm khoảng 2ha mới cho thu nhập bằng 1 công nhân nhưng vì tiếc ruộng hoang mà em cố. Khổ nỗi đất bà con cứ bỏ hoang kiểu xôi đỗ nên nhiều người gọi cho mượn cũng đành chịu”.

Ông Nguyễn Văn Trình thở dài: “Nhà tôi có 7 sào, chỉ cấy một vụ xuân mà còn thừa thóc ăn đến vụ xuân sang năm. Mất mùa với người nông dân giờ cũng không phải cái gì ghê gớm nữa bởi đi ăn 4 cái đám cưới đã tốn 800.000 đồng rồi, bằng hơn 1 tạ lúa. Xưa đến mùa còn phải đi canh trộm giờ lúa cứ phơi ngoài đường cả tấn, tối đến chỉ phủ bạt lại phòng sương chứ chẳng ai thèm xúc trộm. Ngay cả đến ăn mày hai năm nay cũng chê không nhận gạo nữa mà chỉ lấy tiền mặt. Mức cho thấp nhất cũng phải 10.000 đồng. Nếu ai cho 5.000 đồng thì vừa ra đến cổng đã có tiếng nói xéo: “Cho thế này chẳng mua nổi một hai que kem”.
Ruộng hoang bỏ nhiều chỗ nhưng trên giấy tờ lại không hề thể hiện, ngay cả cán bộ Phòng Nông nghiệp Tam Dương cũng khẳng định rằng không. Tích tụ đất đai khó khăn khiến cả huyện mới chỉ có 1 mô hình mang chút công nghệ cao là trang trại rau hoa 2ha của anh Đỗ Trung Kiên ở thị trấn.

Chị Nguyễn Thị Chung có 5 sào ruộng chỉ cấy 2 sào còn 3 sào cho một công ty thuê trồng dược liệu. Nhà có 4 khẩu, chồng đi xây, 2 con đi công nhân còn chị đi thêu cho một công ty ngoại quốc. Công việc khá nhàn hạ, làm 8 tiếng được 135.000 đồng còn tăng ca mỗi tiếng được thêm 30.000 đồng, cuối tháng lĩnh trung bình 5 - 6 triệu.

Tuy nhiên, ngày 1/5 vừa qua, 22 chị em tuổi từ 50 như chị đã bị sa thải đột ngột với lý do là kém mắt, kém sức nhưng thực ra là để không phải tăng lương. Sau 10 năm gắn bó họ vẫn không hề được đóng bảo hiểm mà chỉ hợp đồng theo thời vụ 3 tháng một. Mỗi đợt trên về kiểm tra định kỳ thì công ty lại báo cho nghỉ, kiểm tra đột xuất thì bảo lẻn trốn về từng người… 

Gánh nặng trên đôi vai

Lão nông Nguyễn Anh Đài ở thôn Thọ khánh tâm sự rằng ngày trước không biết nghị lực ở đâu, sức mạnh ở đâu mà gia đình mình có thể cấy tới 2,8 mẫu ruộng trong khi chỉ có mỗi đôi bàn tay trắng. Không có đồng hồ nên vợ chồng ông trông vào ánh trăng để thức giấc, ăn chập chuội bát cơm nguội rồi đi làm. Có buổi cày xong 2 - 3 sào ruộng rồi mà mãi vẫn không thấy mặt trời đâu, hóa ra cả hai đã bị ánh trăng sáng đánh lừa.


Anh Hùng đi trên thửa ruộng hoang chỉ còn sót lại ít lúa chét từ vụ trước ở khu đồng Sậy 

Giờ thì ông bà vẫn làm ruộng nhưng trong cơn chán nản: “Con trai tôi làm kẻ biển quảng cáo, con dâu làm thợ may, mỗi tháng chúng kiếm được 14 triệu đồng tương đương với 2 tấn thóc trong khi bố mẹ cấy 8 sào, trừ hết các khoản mỗi vụ không lãi nổi 100.000 - 200.000 đồng. Thằng con tôi cày không biết, ngâm ủ mạ không biết, cấy không biết, đến cào lúa cũng không biết cách cầm bàn chang, nó bảo: “Nắng lắm! Bố cứ đi thuê hết đi, con trả tiền!”. Lớp già bỏ ruộng thì xót nhưng cánh trẻ không gắn bó như nó sao thấy chạnh lòng được?

Hợp Thịnh có 230ha lúa, vụ này bỏ khoảng 30ha. Chán nhưng nông dân không dễ “nhả” ruộng ra cho người khác thuê. Cách đây 2 năm có công ty về muốn thuê 10ha đất trồng rau, trả tới 140kg thóc/sào/năm và cam kết sử dụng lao động địa phương. Họp xã, họp thôn, họp lên, họp xuống cuối cùng vẫn không thuyết phục được dân nên doanh nghiệp đành phải ngậm ngùi rút.

Tôi gặp Nguyễn Ngọc Hùng khi anh đang vác cái thuyền trên lưng như một con rùa vác cái mai khổng lồ. Chỉ cho tôi 7 mẫu ruộng bỏ không ở đồng Sậy ngay dưới chân mình, anh tiếc rẻ: “Của 100 hộ đấy, tôi định hỏi thuê rồi sắm máy móc trồng một vụ lúa, thả một vụ cá nhưng nhà đồng ý, nhà lại không…”.


Anh Hùng bơi thuyền kiểm tra cá thả trên ruộng hoang ở khu đồng Sậy 

Xưa thiếu việc làm nên nông dân sống chết bám vào đồng ruộng, ngay cả muốn đi phụ vữa cũng phải sắp cái lễ gồm ván xôi, con gà, chai rượu đến bàn thờ tổ nhà ông thợ cả. Giờ có quá nhiều việc để lựa chọn, thợ cả sáng phải đến tận cổng nhà mời ăn, chiều mời đi uống, thợ chỉ việc xỏ tay túi quần mà chẳng cần mang theo thùng đồ nghề gì nữa.

[Bài II] Khi đồng ruộng không khác Viện Dưỡng Lão

Nông nghiệp Việt Nam cập nhật: 13:05, Thứ 4, 24/07/2019

Những khuôn mặt già nua, những đôi mắt đục mờ chẳng còn lóe lên tia hi vọng, cảm giác cả cánh đồng bao la ở phường Hội Hợp của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là một viện dưỡng lão khổng lồ, chán chường và buông xuôi.
 Làm lúa mỗi ngày thu nhập 2000đ/sào



Bà Liên ở phường Hội Hợp đang buộc lại hàng rào ni lông chống chuột quanh ruộng nhà mình.

Trên bờ, cây xấu hổ ken dày cao ngang bụng người, dưới ruộng cỏ dại mọc đua chen cùng với lúa, lố nhố những vết răng chuột gặm ngang thân, xén ngọt như có máy cắt. Bà Phùng Thị Liên 63 tuổi ở xóm An Phú đang đi kiểm tra hàng rào ni lông quây quanh ruộng nhà mình xem có thủng chỗ nào không mà đã bị phá đến non nửa.

Nhà bà có 7 sào ruộng, vụ này cấy 3 sào còn bỏ trắng 4 sào. “Giờ cái gì giá cũng cao, cày bừa lên 180.000 đồng/sào, cấy lên 300.000 đồng/sào… Chuột phá quá nên tôi phải đi nhặt hết thân lúa bị cắn vứt đi rồi quãi thêm tí phân vào xem có được cây nào thì ăn cây đấy vậy!”. Bà than thở. 

Sản xuất nông nghiệp hiện nay đã nhàn hơn ngày trước nhiều. Cày, cấy, gặt những công đoạn nặng nhọc nhất của nhà nông phần lớn dân làng đều thuê cả, đến mùa xe lôi kéo lúa về tận cổng nhà, chỉ mỗi việc phơi xong rồi đút vào hòm. Thế mà nhiều nhà vẫn bỏ ruộng hoang do công sức và thu nhập không gặp nhau.



Bà Liên ở phường Hội Hợp đang vơ đám lúa bị chuột cắn ngang thân.

Hơn thế việc nhà nông toàn những thứ lặt vặt nhưng bìu díu nhau nên dù ra đồng 1 tiếng cũng là mất nguyên nửa buổi chẳng thể làm nổi việc gì khác ra tiền. Hiện giá đền bù mỗi sào ruộng ở Hội Hợp chỉ 83,7 triệu nhưng vẫn nhiều người mong ngóng công nghiệp, đô thị vào lấy vì gửi tiền đó vào trong ngân hàng còn lãi hơn trực tiếp trồng lúa.

Ông Nguyễn Gia Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Hội Hợp trăn trở: “Dân bỏ ruộng một vụ là dấu hiệu sẽ bỏ ruộng lâu dài. Cánh đang làm ngày càng già, càng yếu rồi sẽ mất dần đi còn cánh trẻ lại không còn ham muốn. Đến như hai con của tôi cũng chẳng đứa nào thèm làm ruộng cả…”.


Ông Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Hội Hợp bên một thửa ruộng tuy gieo trồng mà cỏ còn mọc tốt hơn cả lúa.

Hội Hợp chính là phần tách ra của xã Hợp Thịnh nổi tiếng năm nào về chuyện làm vụ đông, HTX từng được phong tặng Anh hùng lao động. Ánh hào quang thủa xưa nay đã lịm tắt.

Ông Nguyễn Tuấn Hải - Bí thư kiêm Chủ tịch Hội Hợp cắt nghĩa: “Người nông dân bỏ ruộng lỗi một phần của chính quyền bởi tuyên truyền chưa tốt, chưa làm thay đổi nhận thức được của nhân dân cộng với chưa thực hiện được dồn điền đổi thửa  khiến ruộng đồng quá manh mún. Nhưng cái chính là do hiệu quả của việc trồng lúa hiện nay đang quá thấp, tính chi li ra cấy lúa giỏi mỗi vụ 1 sào thu được 2,5 tạ thóc, trừ chi phí hết hơn 1 tạ, lợi nhuận trên mỗi ngày chỉ còn được khoảng 2.000 đồng”.
 
Khó ngăn cản

Nông dân ở đây đang được hưởng khá nhiều ưu đãi như miễn thủy lợi phí, mua phân bón chậm trả, cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng, có bảo vệ ngày đêm ngăn trâu bò phá hoại nên sản xuất không phải suy nghĩ… thế mà vẫn bỏ ruộng.

Vụ mùa năm 2018 phường Hội Hợp bỏ 170ha, vụ mùa năm nay bỏ khoảng 100ha trên tổng diện tích 200ha khiến cho đích thân Bí thư Thành ủy yêu cầu phải khắc phục: “Theo quy định của nhà nước bỏ ruộng 1 năm thì mới bị thu hồi đất nhưng người dân ở đây chỉ bỏ có một vụ nên chúng tôi không biết phải xử lý thế nào”, ông Hải băn khoăn.

Công nghiệp như thỏi nam châm khổng lồ hút rỗng nhân lực của các làng xã. “Đói” lao động nên giờ các công ty về Hội Hợp tuyển vét  bằng cách hạ tiêu chuẩn đến mức thấp nhất, trên 40 tuổi cũng lấy, học chỉ xong cấp II, thậm chí cấp I cũng lấy. Trước nguy cơ ruộng hoang lan tràn, chính quyền kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân vào thuê đất nhưng chỉ được hơn 7ha.


Cỏ dại mọc đầy ven đường nội đồng ở phường Hội Hợp.

Đằng thẳng ra mà nói, năm 2016 cũng có một công ty muốn làm ăn lớn là DKC ở huyện Yên Lạc về Hội Hợp thuê 80ha trồng bí. Ngặt nỗi chi phí sản xuất lớn mà sản phẩm bán ra rẻ mạt 2.000 đồng cũng chẳng có ai thèm mua nên được một vụ là phải bỏ để mặc dân thích hái bao nhiêu thì hái. Hội nghị mở rộng của Đảng ủy phường ông Bí thư phải vò đầu bứt tai trước nhiều câu hỏi rằng bí đỏ đang để chật hết gầm giường nhà dân lẫn nhà cán bộ mà không biết giải quyết thế nào?

Hiện nông nghiệp chỉ chiếm 2% trong cơ cấu kinh tế của Hội Hợp. Ông Hải ước tính khoảng 90% người làm nông bây giờ để lấy cái ăn, chỉ 10% là xác định có thể làm giàu. Bởi thế thuyết phục nông dân bám ruộng mà nói đến góc độ kinh tế là thua mà phải “đánh” vào tình cảm.

Cứ gần đến ngày mùa, đảng ủy phường lại nhắc các chi bộ triển khai công việc nông gia đến những đảng viên bên dưới. 5 ban ngành đoàn thể cũng xúm lại họp bàn để mà cùng giúp sức cho ủy ban. Ngoài đồng biết nhà ai có lúa chín rũ chưa gặt là các tổ liên gia của ngõ lại đến nhắc nhở từng hộ: “Trai tráng khỏe khoắn thế này ngày mùa về anh giúp vợ con một tí đi chứ! Miếng chín rồi đừng để nó rụng rơi”. 

Phường dành sẵn 1/3 diện tích đường, dành luôn cả sân vận động để cho dân kịp phơi thóc. Nhưng không khí chộn rộn của những ngày mùa xưa cũ khi ai ai cũng háo hức đợi chờ đến ngày được ăn no, được bán thóc đi mua sắm  quần áo mới chẳng bao giờ có thể trở lại nữa. Có chăng chỉ là sự trễ nải, ơ thờ.  

Trên kêu gọi xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhưng Hội Hợp lại có hàng ngàn mảnh ruộng rải rác khắp các xứ đồng, có mảnh nhỏ đến nỗi máy cày xong vẫn còn chành ra 4 góc không thể xoay được buộc người phải cầm cuốc ra làm nốt. Để gỡ bí cho việc dồn điền đổi thửa xã đã vời cả giáo sư ở một viện chính sách về phân tích cho bà con mặt lợi, mặt hơn.

Tuy nhiên theo ông Hải thì: “Người Việt mình vốn sợ sự chuyển đổi, sợ cái mới. Định làm cái gì cũng sợ thiệt, định nuôi con gì, trồng cây gì cũng sợ gặp rủi ro nên chỉ thiên về kiểu cũ, bởi thế đến giờ 60% diện tích của Hội Hợp vẫn còn cấy Khang Dân (giống lúa nhập khẩu có tuổi đời cỡ trên dưới 30 năm) năng suất không cao, cơm ăn không ngon nhưng được cái là dễ làm”.
 
Sức nóng ở Vĩnh Tường

Còn nóng hơn cả tiết hè oi ả của năm nay là tình hình ở huyện trọng điểm lúa Vĩnh Tường nơi vụ này đang bỏ trên dưới 700ha. Đây cũng là địa phương đầu tiên thí điểm dồn điền đổi thửa của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng gặp vô vàn vướng mắc, đặc biệt là tại Phú Đa. Giao ruộng muộn cộng với tâm lý bất mãn nên dân xã này chỉ cấy có 44/210ha...

Tổng hợp tiến độ gieo trồng vụ mùa năm 2019 của Vĩnh Phúc tính đến ngày 7/7 chỉ thực hiện được 24.138/25.700ha kế hoạch, nhiều huyện thị đạt kém là Vĩnh Tường 83,7%, Yên Lạc 89,4%, Vĩnh Yên 90%...
Anh Nguyễn Văn Tứ - Phó chủ tịch xã Yên Lập kể, nước dẫn vào tận ruộng, nông dân được hỗ trợ 70% giá trị giống nhưng chỉ đăng ký 3,8 tấn, có hộ ném mạ rồi bỏ không cấy.

Trên hỗ trợ thuốc diệt chuột, xã mua lúa rồi giao cho trưởng thôn, phó thôn luộc lên, đeo găng tay vào mà trộn bả xong gọi dân đến lấy nhưng cũng có hộ không đến, cán bộ phải đi rải hộ.

Vụ mùa năm 2018 Yên Lập bỏ 20ha, vụ mùa năm nay bỏ chừng 60 - 70ha. Hội nghị nào từ xã đến thôn đều lồng ghép chuyện chống bỏ ruộng mà vẫn đành chịu vì vụ mùa hay bị ngập do nước sông Phan tràn vào, vì nhiều sâu bệnh, chuột bọ…

Tôi gặp bà Bùi Thị Ninh người thôn Phủ Yên 3 khi đang gò lưng đẩy xe chở mấy phân chuồng đi quãi cho lúa. Đồng trên bà bỏ trắng 3 sào, đồng dưới bà chỉ cấy 1 sào còn 2 sào gặt xong chờ để lúa rong (lúa chét tái sinh). Đồng làng giờ nhiều nhà bỏ hóa, cấy một mình chuột bọ dễ sinh sôi nên vụ này bà cũng chẳng có hi vọng.

Cạnh đó, bà Khổng Thị Hoạt 63 tuổi người cùng thôn đang rẫy lớp lúa lơ thơ còn sót lại để trồng 8 thước bí, mồ hôi ướt đẫm mặt dưới  chiều hè nắng quái. Bà có 5 người con, 4 gái đã yên phận nhà chồng giờ chỉ còn hi vọng mỗi thằng út là có thể tiếp nối nghiệp. Ngày bé nó cấy rất dẻo hệt như mẹ nhưng càng lớn càng căm ghét ruộng đồng, cứ nằng nặc đòi đi sang tận Bắc Ninh làm công nhân.
Già cả không thể kham nổi hơn 5 sào ruộng nên bà Hoạt mới cho người ta mượn 3 sào ruộng thả bèo làm thức ăn cho cá còn cấy 2,6 sào để lấy thóc ăn.


Gương mặt đẫm mồ hôi của bà Hoạt bên mảnh ruộng bỏ hoang.
Vụ xuân năm ngoái ngoài đổ đầy được cái hòm 5 tạ bà còn dư ra một bao thóc nhưng vụ mùa sau đó lại dính sâu bệnh thất thu đến nỗi phải đi ngắt từng gié, từng bông một, không buồn gặt. Bởi thế, vụ mùa này bà bỏ không cấy, cặm cụi vỡ ít đất chuyển sang trồng bí lấy ngọn mong có chút tiền tiêu. 10 ngọn bí có giá 2.000 đồng, một buổi còng lưng hái giỏi được 200 ngọn tương đương với 40.000 đồng mà cũng chỉ thu được 4 đợt là tàn cây.

Không có sổ tiết kiệm hay khoản tiền lận lưng đáng kể nào, tài sản lớn nhất của nhà bà là chiếc xe máy trị giá 18 triệu. Vì vậy, mọi chi tiêu đều phải tằn tiện. Sáng họ ăn cơm nguội, trưa chiều bữa đậu, bữa rau, thi thoảng mới được tí thịt nên trung bình mỗi ngày chỉ tiêu hết có 15.000 - 20.000 đồng. Đến bữa, hai vợ chồng già cùng người bà chị chồng ngót 80 tuổi bày ra ba cái bát, ba đôi đũa rồi ngồi lặng lẽ ăn.

Hai ba tháng thằng con bà mới từ Bắc Ninh về thăm một lần rồi lại quầy quả đi ngay. “Sức chúng tôi còn làm được mấy hơi nữa hả chú? Vài năm nữa có khi đi còn chẳng nổi thế mà gọi thằng út bảo về làm ruộng, lấy vợ thì nó giẫy nẩy lên. Năm nay nó đã 26 rồi chứ còn bé bỏng gì…”.


Bà Hoạt đang khai hoang ít đất để trồng bí.
Việc tích tụ ruộng đất ở Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn bởi lý do chính là nhiều nông dân chán nhưng vẫn chưa hoàn toàn bỏ ruộng mà phổ biến chỉ bỏ vụ mùa, vụ đông hoặc bỏ hoang một phần, vẫn sản xuất vụ xuân để lấy thóc ăn cho cả năm nên chưa muốn cho thuê dài hạn hoặc chuyển nhượng. Tính đến nay diện tích tích tụ của toàn tỉnh ước chỉ đạt khoảng 4 - 5%. 

[Bài III] Xã bỏ 100% vụ mùa, có cho tiền dân cũng không cấy

DẠY VÀ HỌC theo Báo Nông nghiệp Việt Nam 25/07/2019, 14:25 (GMT+7). Anh Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) - tươi cười khẳng định với tôi rằng: “Bây giờ nếu có cho thêm 200.000đ/sào bảo cấy vụ mùa, dân chúng tôi cũng không cấy nữa”. Ngay cổng Ủy ban xã là một cánh đồng bát ngát cỏ hoang dễ đến 10 vụ mùa nay như minh chứng cho câu nói của anh.

Cố cấy vụ mùa là gieo nợ


Một con bù nhìn của vụ trước còn sót lại trên thửa ruộng hoang ở xã Phù Ninh.

Đây là năm thứ tư liên tiếp Phù Ninh bỏ 100% vụ lúa mùa. Trước đây mỗi vụ xã thường cấy cỡ 110 ha nhưng rồi cứ xuống thang dần, 90, 80, 70, 50 ha…và năm 2015 đã đánh dấu cho sự chấm hết của thói quen này.

Vụ đó, thấy người dân và cán bộ đều uể oải với lúa mùa, lãnh đạo xã đã phải trích khẩn một khoản ngân sách khoảng 40 triệu ra sang Thái Nguyên mua 2,5 tấn giống Bao Thai về cấp không. Loa phát thanh ời ời thúc giục, dân người làm người bỏ nhưng Đảng viên, cán bộ trong Đảng ủy, Ủy ban cũng như các chi bộ bên dưới thôn xóm đều phải răm rắp chấp hành. Bản thân nhà anh Chủ tịch xã cũng cấy dù cho vợ con có đôi chút cằn nhằn.


Anh Nguyễn Tiến Hưng (ảnh), Chủ tịch xã Phù Ninh, không phải ngẫm ngợi lâu trước câu hỏi tại sao bỏ ruộng của tôi mà trả lời thẳng: “Để ruộng không là lựa chọn của người dân. Bỏ một đồng chi phí ra mà không thu nổi một đồng về thì có ép cũng chẳng thể được. Người dân đã đúng! Nếu cứ bắt cấy tiếp vụ mùa thì chẳng khác nào gieo nợ cho họ”.
Nhưng bao công sức bỏ ra lại không được trời thương. Vụ mùa đó khi dân vừa cấy nước đã ngập băng đồng phải gieo lại mạ, khi lúa đang chuẩn bị trổ bão tố lại kéo về. Cuối vụ, nhiều nhà không được nổi một cọng rơm còn phổ biến năng suất chỉ rơi vào cỡ 70-80 kg/sào. 2 sào cấy cố của nhà Chủ tịch xã thu được 1,5 tạ thóc, tính ra lỗ mất gần 200.000đ còn toàn dân vụ đó lỗ khoảng 200-300 triệu. Vậy là bỏ, bỏ trắng hết!

Mấy năm đầu bởi Phù Ninh bỏ hết vụ mùa, Huyện ủy, Ủy ban huyện giục giã rất căng, xếp loại Đảng bộ không bao giờ lọt vào vòng khen thưởng. Nhưng giờ mọi thứ đã dần nguôi vì đã quen. Anh Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch xã Phù Ninh, phân tích: Xưa không có công ăn việc làm nên phải bám vào đồng ruộng, phải tận dụng trâu bò lấy sức kéo, lấy phân.

Ngày nay có quá nhiều công việc để cho nông dân lựa chọn. Làm ruộng giờ hầu hết các công đoạn đều đi thuê, chi phí sản xuất cao, giá thóc gạo lại rẻ nên họ bỏ luôn vụ mùa.

Vụ xuân cỡ 10 năm nay tuy vẫn cấy nhưng gần như không còn ai đeo bình đi phun thuốc trừ sâu nữa bởi sợ độc hại, ngay cả rau màu cũng thế…Lao động đi hết, đến mùa gặt toàn thuê dân ở nơi khác, có lúc gấp quá còn phải nhờ cả đơn vị bộ đội gần đó giúp một tay.


Chẳng lăn tăn an ninh lương thực

Bỏ vụ mùa 100% nhưng vụ xuân Phù Ninh lại cấy hơn 100% diện tích bởi một số mượn thêm được những thửa ruộng giáp ranh của người dân xã An Đạo kề bên, ngại cấy vì quá xa làng.

Như nhà anh Chủ tịch xã cấy 4 sào lúa xuân thu được 1 tấn thóc cộng với để lại gốc rạ cho lúa chét tái sinh 30 ngày sau thu tiếp được 2 tạ nữa. 4 khẩu trong gia đình  anh cùng với đàn gà nuôi ăn mãi cũng chưa hết được. Đó là chuyện lương thực của một nhà, còn của ngàn gia đình trong xã thì sao, tôi hỏi.

Anh Hưng đưa cho tôi bài giải đã có sẵn ở trong đầu mình: Bỏ vụ mùa nên tổng lượng thóc và ngô của Phù Ninh giờ chỉ còn khoảng 1.400 tấn/năm hụt so với trước đây chừng 200 tấn. Tuy thế, vẫn còn thừa để nuôi 4.600 khẩu nông nghiệp của xã với định mức trung bình 2,6 tạ/người/năm
.

Nhờ có bà con bỏ ruộng mà anh Khôi mượn được 9 ha để thả cá vụ.

Chất lượng cuộc sống tăng lên, 200 tấn thóc thiếu so với trước đây khi còn cấy vụ mùa suy cho cùng cũng chỉ bằng giá trị của một căn nhà trung bình trong làng, cỡ 1,2 tỉ. Ở quê tôi giờ toàn người già với trẻ con, chỉ ngày chủ nhật mới thấy bóng thanh niên.

Bởi thế mọi lịch họp hành, mọi đám cưới cũng phải bố trí vào ngày đó. Còn đột xuất như đám ma thì trưởng khu phải đánh kẻng lên để tập hợp mấy ông trung niên đến mà khiêng giúp…

Từ hồi toàn dân không chịu cấy vụ mùa nữa, đại lý vật tư nông nghiệp cấp làng của ông Nguyễn Xuân Thị ở khu 12 ngoài bán phân còn trưng lên tấm biển thu mua đồng nát để kiếm thêm đồng ra, đồng vào.

Trước đây mỗi khi vào vụ, ông bán phân theo bao, tháng cũng được khoảng 1-2 tấn các loại, giờ dân chỉ mua lẻ theo cân về bón rau, tháng  bán được có 2-3 tạ.

Hỏi chuyện ruộng đồng, ông vui vẻ mà rằng: “Bài toán lợi ích cả thôi. Vụ xuân cấy đủ ăn cả năm rồi, vụ mùa cố cấy làm gì khi sâu bệnh nhiều, có năm không được gặt mà phải đi ngắt từng bông, chẳng hiệu quả bằng để lúa tái sinh? Như nhà tôi 3 người cấy một vụ đã thừa ăn rồi…”.


Đại lý vật tư nông nghiệp của ông Nguyễn Xuân Thị ở khu 12 giờ thu mua cả đồng nát.

Toàn dân bỏ vụ mùa tạo điều kiện thuận lợi cho một số nhà mượn lại ruộng để thả cá vụ. Phù Ninh có khoảng 10 mô hình như thế với tổng diện tích khoảng 40 ha, số khác thì chuyển đổi sang trồng màu nên thực tế đồng hoang không làm gì chỉ rơi vào chừng 40 ha.

Anh Khuất Ngọc Khôi - Chủ nhân của hồ cá rộng tới 9 ha ở cánh đồng Chiềng - là một ví dụ tiêu biểu về sự thích ứng với ruộng hoang. Trước đây, ở vụ mùa 1/3 cánh đồng này vẫn còn cấy, nhưng giờ đến vụ, đợi chừng 100 hộ gặt rồi thu lúa chét xong là anh mượn lại ruộng, chặn để trữ nước và thả những con cá giống có trọng lượng 1-2 kg xuống.

Nước được dâng từ từ để ruộng thấp ngập trước, khi cá ăn hết lúa tái sinh, sâu bọ rồi mới dâng nước lên, ngập ruộng cao. Cuối năm anh chỉ việc tháo cạn nước là thu hoạch. Trung bình kiếm được khoảng 150 triệu, sau khi trừ hết chi phí giống 60 triệu còn lãi khoảng 80-90 triệu. Khỏe re!

Người dân khi cho mượn ruộng kiểu này cũng thích bởi nếu bỏ hoang thì đến vụ xuân phải rẫy cỏ, làm đất rất vất vả còn thu hoạch cá xong chỉ việc cào là có thể cấy ngay, hơn thế đất lại tốt hơn vì có nhiều mùn bã. Bờ bao thì trước khi cho mượn dân đã đóng mấy cái cọc tre để làm mốc, sau khi nhận lại chỗ nào bị sạt lở be lại một chút là xong.

Loay hoay giải "bài toán" bỏ ruộng


Lũ trâu vầy bùn trên cánh đồng bỏ hoang ở xã Phù Ninh.
Ngoài Phù Ninh, bỏ vụ mùa còn xảy ra nhiều ở các xã Phú Lộc, Phú Nham…trong đó có những nơi 100% diện tích. Bởi thế, trước mỗi mùa vụ, Huyện ủy đều phải ra nghị quyết chỉ đạo chống bỏ nhưng cũng khó vì xu thế giống như một bánh xe lịch sử đang quay nhanh. Hơn thế, theo quy định về điều kiện để hỗ trợ vật tư, giống phải là phải liền vùng, liền khoảnh có diện tích từ 10 ha mà ruộng hoang thì bà con toàn bỏ kiểu xôi đỗ, chẳng ai thèm nhận cấy.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Phù Ninh, anh Hán Trung Kết cho hay, kế hoạch vụ này huyện cấy 1.175 ha nhưng mới thực hiện được khoảng 800 ha, bỏ chừng 30%.

Diện tích 30% này cũng không hẳn bỏ hết mà một số được tận dụng để làm lúa tái sinh theo công thức: Gặt lúa bằng tay để tránh nát gốc rạ, quãi 5-7 kg NPK, 2-3 kg đạm rồi cắm cái biển cấm thả trâu bò, đợi 30 ngày sau thu hoạch lúa tái sinh (lúa chét). Với năng suất chừng 50 kg/sào nhân với giá 6.000đ/kg (do tỷ lệ hao hụt cao nên lúa tái sinh có giá bán rẻ hơn lúa cấy-PV) được 300.000đ, trừ chi phí phân mất 40.000đ, gặt mất 1 công 160.000đ, còn lãi được 100.000đ.

Trong khi đó nếu cấy lúa mùa, cày bừa mất 200.000đ, giống 30.000đ, cấy 300.000đ, phân 100.000đ, thuốc 100.000đ, công phun 4-5 lần 100.000đ, thu hoạch 300.000đ… Phần thu được 1,7-1,8 tạ/sào nhân với giá 7.000đ/kg được khoảng 1,25 triệu, sẽ là lỗ nếu phải đi thuê nhiều công đoạn.

3-4 năm về trước, khi tình trạng bỏ ruộng hoang bắt đầu loang ra, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ thành lập đoàn công tác đi các huyện để rà soát, có biện pháp kìm chế. Nhưng chỉ hãm được tốc độ của “đoàn tàu” bỏ ruộng một chút rồi lại lao dốc tiếp.

Lúc đầu diện tích bỏ vụ mùa vào khoảng 1.000 ha, chủ yếu thuộc các chân đất xấu, trũng cấy lúa bấp bênh, cao quá nước lúc có lúc không hoặc xen kẹt ven đồi, chuột bọ nhiều khi hay quấy phá.

Giờ thì ngay cả những chỗ dễ làm, đất tốt dân cũng bắt đầu bỏ. Theo kế hoạch vụ này tỉnh cấy 29.500 ha nhưng ước chỉ đạt khoảng 28.000 ha, để không chừng trên dưới 1.500 ha trong đó những huyện, thị bỏ nhiều gồm Thị xã Phú thọ, Thanh Thủy, Phù Ninh…, không ít diện tích đã bỏ liền hai, ba vụ.
Một cán bộ nông nghiệp của tỉnh này phân tích với tôi rằng: Chỉ đạo chống bỏ ruộng bằng mệnh lệnh hành chính là rất khó vì ruộng đã giao cho dân rồi, không còn như thời hợp tác xã.

Chuyện bỏ ruộng có hai mặt. Mặt tích cực là chứng tỏ dân đã có tư duy kinh tế, tính đến yếu tố hiệu quả của sản xuất chứ không còn cấy bằng mọi giá, nó thúc đẩy cho việc phải thay đổi cơ cấu cây trồng. Không chỉ có thế, bỏ ruộng theo vụ (chủ yếu là vụ mùa) còn cắt đứt quá trình sinh trưởng của sâu bệnh, lượng thóc thu từ lúa chét (lúa tái sinh) có khi còn lãi hơn là cấy tiếp vụ mùa. Còn mặt tiêu cực là dân bỏ nhưng không trả lại đất, không cho mượn, không cho thuê, không muốn bán nên những người có tâm huyết  không có cơ hội mà tích tụ. Hệ thống thủy lợi bị bỏ lãng phí cả vụ mùa lẫn vụ đông.

Thêm vào đó ruộng hoang là nơi chứa chấp chuột để chúng tràn sang các thưa ruộng giáp ranh còn cấy để cắn phá. Tình trạng dân tự phát bỏ ruộng đã phá vỡ quy hoạch sản xuất lúa của cả tỉnh bởi theo dự kiến năm 2020 diện tích lúa hai vụ của Phú Thọ khoảng 65-66.000 ha nhưng hiện nay đã ở mức dưới ngưỡng và còn bỏ xa trong tương lai.


Ngày 18/6/2019 UBND tỉnh Phú Thọ ra văn bản số 2671 trong đó ghi rõ: “Trong nhiều năm qua, vụ mùa, vụ đông là các vụ sản xuất quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao…Tuy nhiên trong 2-3 năm trở lại đây tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều, diện tích cây vụ đông có xu hướng ngày càng giảm nguyên nhân do sản xuất vụ mùa nhiều sâu bệnh, hiệu quả không cao, sản xuất vụ đông nhỏ lẻ, tích tụ đất đai khó…Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông và cả năm 2019, bù đắp cho ngành chăn nuôi đang bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi… Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN và PTNT, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo…”.

[Bài IV] Xã có 155 lá đơn xin trả lại ruộngBáo Nông nghiệp Việt Nam 26/07/2019, 08:01 (GMT+7)

Năm 2013 Báo Nông nghiệp Việt Nam tiên phong viết về nông dân huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương làm đơn xin trả lại ruộng. Vừa qua tôi mới hay một xã ở tỉnh Thái Bình có tới 155 lá đơn xin trả lại ruộng, lá đầu tiên viết cách đây đúng 15 năm.



Những lá đơn đầu tiên xin trả lại ruộng của người dân xã Hòa Bình, viết cách đây đã 15 năm.

Ông Vũ Đình Mầm - cựu cán bộ địa chính xã Hòa Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) giở chiếc túi mở cho tôi xem chồng đơn dày cộm. Cái đánh máy, cái viết tay trên giấy học trò. Mấy lá đầu tiên nét chữ siêu vẹo như những luống cày vụng đã nhòe mờ đi còn mấy lá gần đây vẫn còn thơm mùi mực mới. Tôi cùng hai cán bộ nông nghiệp đếm một hồi lâu mới thống nhất chốt ở con số 155 lá đơn. Hộ ít trả lại vài miếng còn hộ nhiều trả lại tới 9 sào.

Hầu như tháng nào ông Mầm cũng nhận được những lá đơn như vậy cho đến tận gần đây. Để tăng thêm sức nặng, phần cuối nhiều lá đơn còn chua thêm dòng chữ: “Nếu về sau Nhà nước có lấy đất với mục đích gì tôi cũng không có ý kiến”.

Thực tế vừa rồi ở Hòa Bình quy hoạch một khu dân cư khoảng 1,5 ha có lấy vào diện tích của những hộ dân đã viết đơn trả lại ruộng nhưng không ai đòi hỏi quyền lợi gì. Dù tiền đền bù ở đây đang vào khoảng 38 triệu đồng/sào cộng thêm một số khoản hỗ trợ khác. Dù xã vẫn còn chừng 2% hộ thuộc diện nghèo.

Có hai loại đối tượng không cấy, thứ nhất viết đơn xin trả lại, thứ hai chỉ bỏ không. Lúc đầu, người ta trả lại một phần diện tích, phần lớn là chỗ đất bạc màu, trũng hay ngập úng hoặc cao hay thiếu nước.


Cấy tay, giờ đây đã rất nhiều người bỏ.

Vài năm gần đây, ruộng tốt, nằm sát chân đường rộng thênh thang vẫn cứ nằng nặc trả, mà trả lại bằng hết. Lúc đầu, đối tượng trả lại là người già hoặc ốm thì giờ đây theo ông Mầm ước đến 60-70% trả ruộng là người trẻ, khỏe để đi làm công nhân hay làm ngoài. Con cái cũng không còn cấy hộ bố mẹ nữa mà chỉ muốn cất khỏi gánh nặng ruộng đồng.

Tổng diện tích làm đơn xin trả lại ruộng của xã khoảng trên dưới 20 ha nằm rải rác khắp xứ đồng. Những lá đơn đầu tiên năm 2004 viết bởi dân thôn Nam Tiền nhưng hiện nay viết nhiều lại thuộc về thôn Việt Hưng. Lẽ thường, có người chán phải có kẻ thèm nhưng suốt 15 năm trời nhận 155 đơn xin trả lại ruộng ông Mầm khẳng định chẳng nhận  một đơn nào xin ruộng cả.

Tại sao là Hòa Bình?

Một người dân đi qua cánh đồng bị bỏ hoang.
Nhiều xã của Thái Bình bỏ ruộng nhưng tại sao lại chỉ có Hòa Bình xuất hiện đơn xin trả lại ruộng? Tôi hỏi một cán bộ nông nghiệp đi cùng thì chị trả lời do lãnh đạo xã này mấy nhiệm kỳ trước muốn quản lý thật chặt chẽ đất đai, lãnh đạo về sau cứ thế mà tiếp nối khiến cho dân quen nề, quen nếp: “Đó là một điều rất tốt để có thể rút đất của người chán ra, kết nối với nhu cầu của người thèm”.
Còn ông Mai Văn Vinh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Bình, thì giải thích: Tất cả những người không có nhu cầu cấy ruộng cần phải viết đơn để chính quyền tổng hợp lại, tạo điều kiện cho các cá nhân khác có nhu cầu nhận đất yên tâm cải tạo, không lo bị đòi lại giữa chừng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp Kiến Xương vụ xuân năm ngoái huyện bỏ 108 ha, vụ mùa bỏ 129 ha… Còn vụ mùa năm nay ước lượng diện tích bỏ cũng tương tự, tập trung ở các xã An Bồi, Bình Minh, Hòa Bình, Thanh Nê, Vũ An, Vũ Quý… trong đó có nhiều ha bỏ hẳn. Toàn tỉnh Thái Bình vụ xuân 2018 bỏ hoang 490 ha tập trung ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Đông Hưng, Thái Thụy…
Ai mà không có đơn trả lại, vẫn coi như là đang cấy, vẫn phải đóng 3 khoản dịch vụ bắt buộc của HTX gồm thủy nông 13,5 kg thóc/sào/năm (thủy lợi phí đã được miễn nhưng đây là để duy tu hệ thống, tưới, tiêu nước vào ruộng-PV), khoa học kỹ thuật 1 kg thóc/sào/năm, bảo vệ thực vật 1,5 kg thóc/sào/năm. 

Sau khi có diện tích bị trả lại, trưởng thôn được mời lên để bố trí  dồn đổi lại một chỗ nếu có thể. Chuẩn bị vào vụ mới, loa các thôn lại ra rả thông báo ai có nhu cầu nhận ruộng thì đăng ký nhưng chẳng có ai hồi đáp. Điều này khác hẳn với không khí của một thời chưa xa, hồi chia đất năm 1993, khi ruộng đồng và nông dân là một thực thể không thể tách biệt…

Xưa muốn đi làm công nhân phải rời làng lên thành phố, giờ chẳng phải đi đâu, công ty, nhà máy đã về ngay giữa làng. Sáng ăn cơm nhà rồi đi làm, trưa tranh thủ về ăn cơm nhà rồi đi làm tiếp, chiều lại về nấu nướng cho kịp bữa tối để ăn xong còn ghé mắt xem con cái học hành. Mỗi tháng đút túi 5-6 triệu, chẳng rủi ro giông gió, được mùa mất giá như làm nông thì sao lại không chọn?

Kẻ "lạ" về làng
 


Chị Xá bên những thửa ruộng hoang ở xã Hòa Bình.

Những lúc đi chỉ đạo dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Xá cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Thái Bình thấy xót cho những cánh đồng lau sậy ở xã Hòa Bình. Chị mơ ước khi về hưu sẽ hồi sinh, biến chúng thành cánh đồng lúa chín vàng. Vậy là trước khi cầm sổ hưu, chị đến đặt vấn đề với xã xin mượn đất. Dù khá ngạc nhiên nhưng địa phương vẫn ủng hộ hết lòng về mọi thủ tục. 

Trên cánh đồng hoang đó, diện tích thuộc những hộ làm đơn xin trả lại ruộng thì không vấn đề gì nhưng của khoảng 100 hộ không có đơn  lại khá phức tạp. Thôn phải tổ chức họp để chị Xá gặp gỡ từng người xin chữ ký suốt từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2018 mới xong. Tất cả được hơn 10 ha, tương đối liền vùng, liền khoảnh. Lúc này, khó khăn không ở dưới thôn xã nữa mà đến từ phía sau lưng, gia đình chị.

Hay tin vợ mượn đất khai hoang, lo cho sức vóc đã không lấy gì làm khỏe của chị, người chồng lập tức triệu tập ngay hai đứa con trên Hà Nội về họp mặt gia đình và tuyên bố: Nếu mẹ chúng mày không từ bỏ chuyện mượn ruộng thì sau này đừng trách bố...

Đến nước này, chị chỉ còn mỗi nước van xin: “Biến cánh đồng cỏ dại thành cánh đồng lúa chín vàng là ước nguyện của cả đời em. Có gì chỉ mong anh giúp đỡ em về mặt tinh thần mà thôi”. Mềm lòng trước sự tha thiết ấy, người chồng đành gật đầu nhưng chỉ cho chị thời hạn một vụ trong khi hợp đồng mượn ruộng lại kéo dài tới 5 năm.

Lúc đầu máy cắt cỏ xuống làm nhưng lau sậy ken dày tầng tầng, lớp lớp cao gấp rưỡi, gấp đôi thân người, chuột bọ làm ổ lúc nhúc bên trong khiến lưỡi cưa không thể quay nổi. Vậy là chị phải thuê máy có công suất lớn hơn, cắt từng đoạn lau sậy một rồi lôi dần ra. Cắt xong đến đâu, cho máy cày xuống nhưng nó cứ hộc lên như thú dữ, khói phun mịt mù mà chỉ nhúc nhích được chút ít vì rễ cây kết lại dày như những tấm đệm, vơ lại, chất từng đống to như đụn rạ.

Khó khăn nào đâu đã hết, làm đất xong cấy lúa xuống cây mạ cứ vàng như bị luộc vì ngộ độc hữu cơ phải phun chế phẩm vi sinh để xử lý. Rồi úng ngập phải mua mạ cấy dặm, rồi chuột bọ từ các gò hoang xung quanh ồ ạt tràn xuống…


Chị Xá ngập người trong thửa ruộng hoang mọc đầy lau sậy ở xã Hòa Bình.

Đợt mẹ chị ốm nặng, bệnh viện trả về, phải đưa sang cấp cứu ở một bệnh viện khác, thấy vợ cứ cầm điện thoại gọi mua mạ, chỉ đạo cấy, chỉ đạo phun anh chồng đã nóng mắt bảo: “Chẳng lẽ lại đập cái điện thoại đi”. Chị phải vội vã phân bua: “Nếu bây giờ bỏ ruộng mà cứu được mẹ thì em bỏ ngay nhưng em không phải là bác sĩ. Là kỹ sư em có thể cứu được lúa anh à…”.

Khó khăn chồng chất khó khăn khiến chị nhiều phen ngồi khóc tu tu giữa cánh đồng nhưng rồi lại tự động viên mình. Làm ngày làm đêm, đến tối 29 Tết người ta vẫn còn thấy bóng chị ở ngoài ruộng, sáng mồng 3 Tết lại đến tiếp. Chị làm bởi tình yêu ruộng đồng, bởi suy nghĩ mình là cán bộ chỉ đạo nông nghiệp mà thất bại thì dân sẽ cười chê.

Sau bao “giông gió”, vụ đầu tiên chị xuất được trên 30 tấn lúa giống cho một công ty, thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi khoảng 30-40 triệu. Đến lúc này, chồng chị liền nhắc lại lời hứa lúc nào. Tiếc đứt ruộng bởi khai hoang là công đoạn khó nhọc nhất, tốn kém nhất, bao mồ hôi, nước mắt đã vượt qua vụ đầu thì những vụ sau chỉ việc đều đặn sản xuất rồi thu lời thế mà chị vẫn phải chuyển nhượng ruộng cho một người khác…

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed: Tôi thấy chuyện bỏ ruộng có nhiều yếu tố tích cực
Ngày nay người nông dân vẫn ở nông thôn nhưng không còn thiết tha với đồng ruộng và con trâu, cái cày. Tuy nhiên, không phải lo lắng về việc họ bỏ ruộng. Điều đó chứng tỏ đời sống nông dân đã thay đổi, đã tốt hơn, không phải lo nồi cơm đầy vơi nữa. Đó là tất yếu của sự phát triển xã hội ở nông thôn, chứng tỏ kinh tế ở khu vực này đã thay đổi về bản chất.

Tôi tin rằng đến một lúc nào đó vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách chuyển giao lại đất của những hộ bỏ ruộng sang cho các hộ yêu ruộng. Lao động trong nông nghiệp sẽ ít đi nhưng ruộng đất sẽ lớn lên, phù hợp để tổ chức lại sản xuất.

Đừng sợ tích tụ đất đai sẽ hình thành địa chủ bởi vì ngày xưa địa chủ đi cùng sự bần cùng hóa người nghèo, bóc lột bằng cách cho thuê để lấy địa tô cao. Còn ngày nay Nhà nước làm sao để kiểu bóc lột đó có ngóc đầu lên được? Sự tích tụ đất đai vì thế chỉ là tổ chức lại sản xuất mà thôi.

Tất cả những gì đang diễn ra ở Việt Nam cũng từng diễn ra trên thế giới. Hai năm trước, tôi có dịp sang Mỹ, được cán bộ khuyến nông của trường Đại học Missouri dẫn đi thăm một doanh nghiệp nông nghiệp. Gia đình này đã 5 đời làm nông nghiệp, hiện trở thành một công ty nông nghiệp  có 600 ha đất nhưng chỉ cần 4 người làm. Mọi người trong gia đình làm và hưởng lương theo kết quả làm việc của mình, được chia cổ tức theo cổ phần. Việc hình thành công ty này bắt đầu từ tích tụ đất.

Sau khi kinh tế phát triển, những người nông dân không muốn làm nông nghiệp đã vào thành phố ở và bán ruộng cho những người thích làm nông nghiệp ở lại sản xuất, kinh doanh và chuyển thành doanh nhân nông nghiệp.

Do có diện tích rất lớn nên sản xuất ở đây được cơ giới hoá toàn bộ từ làm đất, tưới nước, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch, chế biến đến bảo quản theo một chu trình khép kín với những máy móc hiện đại và được ứng dụng công nghệ mới nhất 4.0. Việc ra đời những công ty gia đình làm nông nghiệp kiểu này ở Mỹ rất phổ biến.


[Bài V] Chuyện đồng ruộng với cựu Chủ tịch tỉnh sống ở giữa làng

Báo Nông nghiệp Việt Nam 29/07/2019, 12:10 (GMT+7)

Khi biết ông chuẩn bị về hưu, có sửa sang lại căn nhà ở quê, một số người quen khuyên: “Không sống được ở làng đâu, anh lên thành phố Vĩnh Yên hoặc ra Hà Nội mà sống”. Ông chỉ cười. “Hết quan, hoàn dân”, lẽ đời là thế nhưng giờ đây ít có quan chức to to nào lại về sống ở giữa làng…

Thước đo lòng dân


Ông Phùng Quang Hùng-cựu Chủ tịch Vĩnh Phúc. Ảnh tư liệu của Kiên Cường.
Lời khuyên chân tình đó xuất phát từ thực tế một số lãnh đạo ở các tỉnh, thành một thời “thét ra lửa” nhưng đến khi về hưu, nhà riêng còn bị người đến quấy nhiễu, ném này nọ vào buộc phải chuyển đi. Từ tâm lý khá phổ biến của dân ta bây giờ là rất chăm nghe đài, đọc báo, lướt mạng xem hôm nay có… kỷ luật ai không. Vậy mà, làng đã là điểm tựa để ông vượt qua những sóng gió trên trường đời mà điển hình nhất là vụ bị kỷ luật cảnh cáo khi đã về hưu.

Tôi ngẫm, suy cho cùng, thước đo đúng đắn nhất với cán bộ chính là lòng dân. Về làng, lúc ông làm ấm trà với các cụ già, khi rít điếu thuốc cùng với đám thanh niên, bận rộn nhưng vẫn sắp xếp đi ăn cỗ cưới hầu như không sót nhà nào và cửa vườn luôn mở để đón lũ trẻ vào tập đá bóng. Không gì vui bằng tiếng trẻ con cười giòn giữa một chiều hè lộng gió. Lân la tôi hỏi lý do tại sao xã có hai sân vận động rộng thênh thang mà lại đến đây để đá bóng, chúng hồn nhiên trả lời: “Chú không biết à? Sân này cỏ rất êm lại có sẵn nước lạnh uống miễn phí, thỉnh thoảng còn được cho ổi, khế, xoài nữa…”.
Ông là Phùng Quang Hùng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang sống ở giữa làng tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương nơi năm xưa từng giữ chức chủ nhiệm hợp tác xã, nức tiếng cả miền Bắc với vụ ngô đông trên nền đất ướt. Ngày hợp tác xã đón danh hiệu anh hùng lao động, lợn mổ phát cho toàn dân mỗi nhà 1kg, rượu tưng bừng, sân vận động đặc kín người nghe ca sĩ tận thủ đô về cầm micro biểu diễn. Vậy mà, giờ đây Hợp Thịnh là xã đầu tiên trong huyện bỏ trắng vụ đông, vụ mùa cũng đang bỏ tiếp, chung cảnh ngộ với nhiều tỉnh thành…

Vai trò lịch sử của khoán 10 đã hết


Ruộng đồng manh mún nên thu nhập của nông dân vẫn bọt bèo.

Tôi “vào đề” luôn chuyện nông dân đang chán ngán ruộng đồng, ông trầm giọng rằng chuyện đó không mới vì mười mấy năm trước khi còn làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã thấy manh nha. Bởi thế nên ông mới nghĩ đến chuyện phải miễn thủy lợi phí cho nông dân bởi nếu không họ sẽ bỏ tiếp: “Vướng mắc ghê lắm vì bỏ thủy lợi phí là chống lại các hợp tác xã bởi đang có thu nhập tốt từ nguồn này. Tôi thuyết phục hội đồng nhân dân tỉnh, chơi bài “khích tướng” với Bí thư, Chủ tịch tỉnh rằng miễn thủy lợi phí không đáng bao nhiêu, tính ra chỉ mất hơn 30 tỉ mà dân ơn các anh cả đời, mà Vĩnh Phúc trở thành địa phương đi tiên phong trong việc này”.

Nhận được sự chấp thuận từ bên trong, bên ngoài ông “đi đường ngầm” với các chuyên gia, các lãnh đạo liên quan đến ngành thủy lợi, vòng cuối cùng mới đến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lúc ấy, ông Cao Đức Phát.

Tại cuộc họp, khi ông đề xuất ý kiến miễn thủy lợi phí ngay lập tức nhiều đại biểu xúm lại phản đối rầm rầm vì bảo đang hội nhập WTO mà hỗ trợ cho nông dân thế là vi phạm. Cũng may trước đấy ông đã cẩn trọng giao cho cấp phó tìm hiểu nát nước các tài liệu xem thế giới này bao nhiêu quốc gia tham gia WTO, bao nhiêu miễn, giảm thủy lợi phí. Châu Á có Thái Lan, Malaysia còn Nga thì miễn một nửa… nên lúc đó mới tự tin “cãi” lý: “Mấy nước đó có phải là WTO hay là WC? Sao họ lại miễn, giảm được thủy lợi phí?”.

Nhóm phản biện đang hăng hái bỗng thấy hớ đành phải ngồi im còn hội trường được một mẻ cười ồ lên khoái trá. “Ông Phát bực lắm, ra giải lao bảo với tôi rằng: “Anh Hùng làm thế này rối tinh, rối mù cả nước lên, không có tiền thủy lợi phí thì lấy nguồn nào ra mà kiên cố hóa kênh mương?”. Tôi trả lời: “Vĩnh Phúc kiên cố hóa xong rồi. Anh không gỡ chuyện thủy lợi phí dân sẽ bỏ ruộng. Quê tôi bắt đầu bỏ ruộng. Thuế nhà nước miễn hết rồi thì đóng thủy lợi phí là khoản đóng góp nặng nhất, 1 sào 20 kg/vụ, không miễn cho dân thì họ thu nhập cái gì?”.

Ông Phát bảo: “Làm gì có chuyện dân bỏ ruộng?”. Vừa hay ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và PTNT ở gần đó nghe thấy liền nhắc: “Có nhiều tỉnh đã bắt đầu bỏ ruộng rồi anh ạ!”. Thấy thế ông Phát mới thôi, tôi tranh thủ nói luôn: “Cái chúng tôi cần ở Bộ là sự ủng hộ còn kinh phí thì tỉnh lo được anh ạ”… Năm 2006 Vĩnh Phúc miễn thủy lợi phí toàn tỉnh thì đến 2008 Thủ tướng quyết định miễn thủy lợi phí toàn quốc…”, ông Hùng hồi ức.

Sau hơn 10 năm áp dụng, chính sách miễn thủy lợi phí có nhiều ý kiến trái chiều bởi ý thức bảo vệ, duy tu công trình thủy lợi có kém đi. Trước đây, khi chưa miễn việc quản lý, tu sửa mương máng thuộc trách nhiệm của hợp tác xã nhưng từ hồi miễn đã giao cho các công ty thủy lợi, đôi khi là quá xa tầm tay với của họ. Quản lý lỏng lẻo, phí duy tu thấp dẫn tới hệ thống kênh mương xuống cấp, kêu lên trên cũng không được sửa chữa ngay, không ít địa phương lâm vào tình trạng chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn.

Thêm một điều quan trọng nữa, do kinh phí được ngân sách cấp bù nên việc sử dụng khá lãng phí và không cân bằng. Những hộ dân ở đầu nguồn thường có tâm lý sử dụng nước vô tội vạ trong khi các hộ dân ở cuối nguồn hay lâm vào tình trạng thiếu nước.

Tuy nhiên nói gì thì nói, miễn thủy lợi phí đã cất đi một chút gánh nặng trên vai người nông dân trong bối cảnh khoảng cách thu nhập nông nghiệp với các ngành nghề khác ngày càng rộng. Tôi nghĩ thế nhưng dằn lòng không nói ra với ông bởi câu chuyện giữa chúng tôi đang trên đà hào hứng…

Tôi kể với ông về chuyện nông dân miền Bắc có những đặc tính rất đặc biệt là chán ruộng, bỏ ruộng nhưng phần lớn không muốn “nhả” ra bởi hai lý do chính: Đề phòng con cái lên thành phố làm ăn chẳng may sau này thất nghiệp còn có chỗ mà quay lại; đề phòng các khu công nghiệp, khu đô thị sau này mở rộng sẽ lấy vào ruộng còn được đền bù.

Ông cười mà rằng: “Phải có quy hoạch lâu dài, vĩnh viễn cho đất, chỗ nào làm khu đô thị, khu công nghiệp, chỗ nào trồng lúa thì người dân sẽ thôi mong ngóng chuyện đền bù. Tuy nhiên, quy hoạch thì có nhưng lại thường xuyên thay đổi nên đã phá vỡ lòng tin của người dân. Họ nghĩ lãnh đạo đời này không làm khu công nghiệp, đô thị ở đó nhưng đời sau biết đâu lãnh đạo khác lên lại thay đổi chính sách nên mình cứ giữ lại ruộng để phòng thân.

Xã Hợp Thịnh mấy tháng đầu năm mà đã xây gần trăm cái nhà, cái nào cũng 1-1,2 tỉ thậm chí 2 tỉ. Thứ nhất bởi họ có thu nhập đặc biệt là lớp trẻ ra ngoài làm công ty rất biết cách tích cóp. Thứ nữa là tâm lý muốn bằng anh, bằng em, bằng bạn, bằng bè, bằng hàng xóm. Tôi cũng thế, đến nhà ai chúc Tết cũng xui họ làm nhà. Miền Bắc nói chung là khác miền Nam ở điều đó! Tuy có nợ nần nhưng nông thôn vẫn có tiềm lực bởi vì bán ruộng, bởi có đất giãn dân được phân với giá rẻ 200-300 triệu nhưng bán lại cái là tiền tỉ.
Nông dân chán ruộng nhưng việc tích tụ đất đai hiện nay rất khó bởi những người không có việc làm vẫn ở lại quê cấy tí ruộng lấy thóc ăn. Tư duy đó không phải ngày một ngày hai là có thể mất đi được.

Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là chỉ cấy vụ xuân, lấy ít thóc sạch để ăn còn vụ mùa, vụ đông bỏ trắng. Còn chuyện con cái một khi đã lên thành phố rồi về sau mà chẳng may thất nghiệp thì cũng sẽ chẳng quay lại với đồng ruộng đâu bởi vì sợ lỗ, sợ vất vả. Bố mẹ có giao lại đất chúng lại cho người khác thuê hoặc bán hết thôi…”.

Người ta đang hi vọng chuyện dồn điền đổi thửa sẽ cải thiện được tình trạng chán ruộng của nông dân? Tôi gợi mở. Ông lắc đầu rồi kể lại chuyện năm 1997 Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra nghị quyết dồn ghép ruộng đất, lấy huyện Vĩnh Tường làm thí điểm.

Lúc ấy đang là Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy mới 42 tuổi ông đã một mình một ý kiến phản đối rằng lòng dân đang không yên vì rất sợ chia lại ruộng bởi bao năm khoán rồi, cứ năm nay ruộng này, năm sau ruộng khác. Đến năm 1993 khi được chia đất lâu dài họ rất mừng, chăm lo hết sức cho ruộng đồng, đổ nhiều công, nhiều phân bón xuống nên ngại phải chuyển sang cho nhà khác.

Thứ nữa năm 1988 nghị quyết 10 (Khoán 10) hợp tác xã rất mạnh, chủ nhiệm là “vua” của địa phương, bao quát hết sân còn chủ tịch xã không là gì cả. Hợp tác xã chỉ đạo việc chia ruộng lúc đó rất hợp với lòng dân đang muốn bung hết ra sau thời bao cấp. Còn năm 1997, gió đã đổi chiều, hợp tác teo tóp, chủ nhiệm hết quyền lực, chủ tịch ủy ban xã mới lên, ít có kinh nghiệm nông nghiệp nên rón ra rón rén.

“Mà suy cho cùng đổi kiểu đó cũng không có mấy ý nghĩa bởi thửa to cũng chỉ là 2-3 sào. Những nhà đổi ruộng cũng chẳng có thu nhập gì hơn mà chỉ là gọn vùng, gọn thửa tí nhưng lại mất công phải đi đổi chác, thủ tục lằng nhằng nên dân không thích, thôn xã cũng ngại. Vất vả được cái gì? Người chỉ đạo không có, người thực hiện không có, dân không đồng tình thì chỉ có nước thất bại.

Hai năm sau tổng kết, y như rằng Vĩnh Tường chỉ làm được 1/3 rồi chịu chết. Bây giờ tình hình vẫn cứ như thế thôi. Vĩnh Phúc đã “bơm” nhiều tiền cho dồn điền đổi thửa rồi vẫn chưa thành công. Theo tôi Nhà nước không nên nhúng tay trực tiếp vào việc này mà chỉ cần có chính sách rồi để sao cho người dân tự nguyện dồn đổi”, ông nhận định.

Nông nghiệp miền Bắc kém vì không tích tụ được ruộng đất. Thời phong kiến bao đất đai địa chủ lấy hết nên khi mới được chia ruộng nông dân rất quý, giờ lại sinh chán. “Chúng ta đang lúng túng trong việc giải quyết hậu Khoán 10 là ruộng đồng manh mún. Hơn nữa sản xuất nông nghiệp thu nhập chẳng mấy, đụng vào đất đai là đụng vào phức tạp, ai sẽ làm đây? Ta cứ nói sửa Luật Đất đai mà từ lâu có sửa được đâu?”, ông hỏi ngược lại tôi.

Mạch chuyện đang tuôn trào, ông khoát tay bảo: “Thôi ra ao câu cá, được con nào tí còn có cái nấu cho mà ăn không thì đói”. Sau khi 3-4 con rô phi to bằng chiếc dép được giật lên, giãy đành đạch trên bờ, vài nắm rau trong vườn đã được vặt, câu chuyện giữa chúng tôi lại tiếp tục.

Doanh nghiệp phải là đầu tàu

Tôi hỏi ông một chính sách đột phá cho khu vực tam nông tương tự như Khoán 10 tiếp theo phải chăng là đến lúc phải có, ông lắc đầu…

Tích tụ ruộng đất kiểu trang trại, gia trại, nông hộ theo hình dung của ông sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ còn phần chính phải là doanh nghiệp - yếu tố quyết định cuộc chơi này bởi họ sống chết vì thương hiệu của mình. Để khuyến khích, Nhà nước phải có chính sách cụ thể hóa về đất đai, chuyển nhượng thì thế nào, cho thuê thì thế nào, bao nhiêu năm.


Anh nông dân đuổi theo con nghé mới tậu trên thửa ruộng hoang.
Bán ruộng giờ cũng không mấy ai mua, nếu có cũng phần lớn là nông dân ham ham gom ít một nhưng sản xuất không ăn thua bởi kiến thức không có, vốn không có, thị trường không có, tuổi tác lại cao. Vì thế vẫn phải doanh nghiệp nhảy vào bởi họ có sẵn đầu ra, vốn và tư tưởng đổi mới

Riêng với thuê phải có giấy tờ bảo lãnh kiểu bìa xanh, bìa tím hay bìa vàng để xác nhận với thời gian cho thuê ít nhất từ 20 năm trở lên để nông dân và doanh nghiệp cùng yên tâm. Một khi doanh nghiệp muốn thuê trả mức giá gấp rưỡi, gấp đôi so với lợi nhuận từ việc trồng lúa, ruộng đất sau khi hết thời gian vẫn là của mình thì làm sao dân lại không hưởng ứng?

“Hồi tôi còn làm Chủ tịch tỉnh, anh Phạm Nhật Vượng ở tập đoàn Vingroup có liên lạc bảo đại ý rằng bạn bè xung quanh nhiều người đã chết vì ung thư nên rất muốn được tham gia vào sản xuất nông nghiệp sạch.

Tôi trả lời Vĩnh Phúc đang có diện tích đất nông nghiệp chừng 40.000ha đấy. Anh Vượng mới bảo 40.000ha thì Vingroup thừa sức làm được, tới đây sẽ xây dựng hệ thống siêu thị ở 63 tỉnh thành để đem nông sản sạch vào trong đó bán…

Tôi mới bàn hãy làm thử trước 500ha đã. Tuy anh Vượng không biết gì về nông nghiệp cũng như chắc không biết gì về cả ô tô lẫn máy bay nhưng vẫn cứ đầu tư vào bởi có kinh tế khắc sẽ có nhiều chuyên gia tìm đến giúp. Đáng tiếc là hệ thống nhà lưới rất hiện đại của Vingroup ở Vĩnh Phúc hiện nay không mở rộng thêm được là bao bởi vì vướng mắc nhiều thứ.”

“Tại sao pháp luật cho phép sự chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng lại không hình thành nên thị trường như chúng ta mong muốn? Là bởi người hăng say làm ruộng giờ có ít. Thêm vào đó là trình độ nông dân còn thấp. Suy cho cùng, thấp là đúng. Bao nhiêu năm sống trong bao cấp nên lứa tuổi lớn thì sợ sệt, chậm đổi mới còn lớp trẻ thì phần lớn thoát ly ra thành phố làm công nghiệp, dịch vụ. Cũng sẽ đến một lúc nào đó chúng trở về nhưng chưa phải bây giờ. Quê tôi, kể cả dân miền núi vẫn chờ công nghiệp vào lấy đất. Con cái đi công nhân hết, không chịu làm ruộng nữa chỉ còn lại những người 40-50 tuổi trở lên. Chỉ gọi là có ít thóc đủ ăn khỏi đong còn tiền thì tìm cái khác, làm công nghiệp, làm dịch vụ và làm tất cả những nghề có thể nên vẫn cứ giữ ruộng”.

Không có thực tiễn là dễ "ăn đòn"

Bất cứ chính sách gì nếu không xuất phát từ thực tiễn chỉ như một cái cây không có rễ, chẳng sớm thì muộn sẽ chết? Câu hỏi của tôi khiến ông bật cười ha hả: “Tôi kể với anh một chuyện rằng, năm 2004, ngành nông nghiệp họp tại Thái Bình để phát động phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu. Hội nghị rất lớn, ngồi bàn chủ tọa có tới 1 ủy viên Bộ Chính trị và 4 ủy viên Trung ương gồm các ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đức Triều - Chủ tịch Hội Nông dân, ông Đinh Thế Huynh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân, ông Bùi Sĩ Tiếu - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình... Cuộc họp đó người ta vẽ ra viễn cảnh quê hương cánh đồng 5 tấn thóc năm xưa giờ sẽ là quê hương của cánh đồng 50 triệu.

Toàn báo cáo điển hình nào là trồng thuốc lào 200 triệu/ha, trồng hoa hồng 150 triệu/ha, rồi hoa nọ, rau kia. Phấn đấu xã 50 triệu, huyện 50 triệu, tỉnh 50 triệu, đảng bộ nào trong sạch vững mạnh phải có cánh đồng 50 triệu… Trưa hôm đó ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty giống Thái Bình rủ tôi đi ăn cơm, mấy anh em có đôi chén, mặt phừng phừng mãi 1h30 mới về để kịp họp lúc 2h. Vừa vào đến cửa ông Lã Văn Lý lúc đó là Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT đã gọi toáng lên: “Hùng, Hùng, tôi tìm mãi mà không thấy chú đâu? Ông Ngọ đang bắt tôi đi tìm chú để phát biểu”.

Ngồi chưa nóng chỗ, tôi đã bị gọi lên. Tôi dẫn chứng, Vĩnh Phúc có 370ha hoa hồng của huyện Mê Linh 15 năm nay mà vẫn chỉ dừng lại ở 370ha, không phát triển thêm được. Lúc đắt thì 10 bông bán được 1.000đ còn lúc rẻ gần như là cho không. Thế mà bây giờ Thái Bình, Hải Dương mở ra trồng hoa hồng khắp tỉnh thì bán cho ai? Thuốc lào đâu đâu cũng phát triển thì để dân hút thay cơm à?


Một người nông dân dừng tay nghỉ chốc lát khi đang khai hoang ruộng.

Tôi cũng nghe một số người dự buổi ngày hôm đó thuật lại, các chủ tọa sau khi bị ông Hùng “quại” cho một thôi một hồi thì giật mình nghĩ lại. Bí thư huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình hồi đó mới chân ướt chân ráo đi tham quan mô hình trồng hoa hồng ở huyện Mê Linh về trồng có 20ha mà còn đang “chết” nặng nên nghe thấy thế không lên phát biểu nữa. Còn lãnh đạo Thái Bình lúc ra giải lao mới nhăn nhó bảo rằng: “Hôm nay chú dội nước đá lên đầu anh rồi!”. Ông Hùng cười: “Em nói thật với anh, nói cái gì cũng phải có thực tiễn kẻo mà ăn đòn đấy!”.

Bởi ông nhớ năm 1992 khi còn là Phó Chủ tịch huyện Tam Dương đã cùng với ông Trần Văn Đăng - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú cũ và mấy Bí thư huyện nữa về Thái Bình học tập. Hồi ấy, ở Thái Bình người ta đang khoán sản 1 năm thu 1 sào tới 90kg thóc, trong đó 18kg chi riêng cho thuốc trừ sâu. Lạ quá, ông mới hỏi thu nhiều thế thì lo được gì cho dân? Họ trả lời: Lo phun thuốc định kỳ, trong đó phun trên mạ xuân hồi tháng chạp hết 3kg/sào, lúc thời tiết rét chẳng có sâu bệnh gì sống nổi cả.
Xã ông hồi trước cũng có lạm thu như thế nhưng kể từ năm 1988 khi lên làm Chủ nhiệm HTX Hợp Thịnh (huyện Tam Dương) thay vì tiếp tục thu 90kg/sào ông đã cắt xuống còn 60kg, rồi xuống 40kg, vụ cuối cùng chỉ còn lại 17kg/sào. Nhận thấy càng thu nhiều dân lại càng chây ỳ không nộp, một cái xã bé tí thế mà nợ tới 1.096 tấn thóc sản nên ông mới đề ra chính sách ai đang nợ 1 tấn thóc sản chẳng hạn, nếu nộp luôn sẽ được trừ ngay cho 7 tạ. Thấy hợp lý, dân tình ai cũng hồ hởi khiêng thóc đi nộp.

Quay trở lại chuyện Thái Bình, thu nhiều khiến dân kiệt quệ ông mới nhận định kiểu gì cũng có chuyện. Mấy năm sau dân Thái Bình “nổi lên” thật. Sự kiện đã thức tỉnh Trung ương phải có những chính sách mới thích hợp hơn, nâng cao chất lượng đời sống cho nông dân toàn quốc. Nhân chuyện này, ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty giống Thái Bình mới có mấy câu thơ dịp gặp ông Hùng rằng: “Thái Bình là đất ăn chơi/ Tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành/ Gậy Thái Bình đập tan tham nhũng/ Bị Thái Bình làm sáng nội cương. Bao giờ đất nước ấm êm/ Nhân dân cả nước biết ơn Thái Bình”…

[Bài VI]: Sự thấp thỏm của những đại điền chủ kiểu mới
Báo Nông nghiệp Việt Nam 30/07/2019, 14:55 (GMT+7)

Rút bớt nông dân ra khỏi nông nghiệp, khuyến khích tích tụ ruộng đất là quy luật tất yếu để cho người nông dân cùng cánh đồng của họ lớn lên trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên, những đại điền chủ kiểu mới ấy vẫn còn thấp thỏm bởi chưa có một chính sách nào “bảo hiểm” cho họ…

Máy bay đi phun thuốc


Anh Trần Xuân Lưỡng kiểm tra khu gieo mạ khay 

Chiếc máy bay nhỏ gắn 4 cánh quạt bốc thẳng lên trên mặt ruộng, cách ngọn cây lúa chừng 1m rồi nhả ra một luồng khí đều và căng như một dải lụa. Trên bờ, người già, trẻ nhỏ và cả đám thanh niên vừa chăm chú dõi mắt theo vừa chỉ trỏ, nói cười về chuyện lần đầu tiên được thấy trong đời. Đó là cảnh máy bay đi phun thuốc trừ sâu trên khu ruộng nhà anh Trần Xuân Lưỡng ở xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Với tốc độ 15 phút/1ha, vừa bay vừa nghỉ để đổ tiếp thuốc nên hơn 13ha của anh chỉ cần nửa buổi là xong, thay cho 10 lao động phải vất vả đeo bình phun đi mấy ngày ròng rã thân ngập trong hóa chất như trước. Mỗi vụ 2-3 lần máy bay của một công ty giống có trụ sở ở Bắc Giang lại về phun thuốc thuê cho anh như vậy.

Vốn là một hàng xáo có hạng chuyên đi thu mua lúa trong vùng, tính anh Lưỡng xởi lởi, dễ gần nên cứ tháng ba, ngày tám bà con hay tìm đến hỏi vay tiền và hứa đến mùa sẽ trả bằng lúa. Nhưng rồi người trả, người không, nợ lai rai qua nhiều vụ mà xét hoàn cảnh của ai khó khăn quá anh cũng chẳng nỡ đòi riết. Cũng trong quá trình đi thu mua lúa ấy, thấy cánh đồng Lò Gạch người bỏ không, người cho thuê kiểu “xôi đỗ”anh mới quyết định thuê lại để cấy.

Tại cuộc họp của hai thôn có diện tích trên đồng Lò Gạch, anh thuyết trình: “Thưa bà con, thay vì cho bà con vay tiền rồi đến vụ thu lại bằng lúa kiểu mua lẻ như trước giờ đây tôi muốn chuyển sang được thuê ruộng để đủ thóc cho hoạt động xay xát của mình, mong bà con ủng hộ cho”.

Thấy giá anh đề xuất hợp lý, ruộng đồng lại đang cấy vụ ăn, vụ thua nên bà con nhất loạt gật đầu, ký tên vào hợp đồng. Tiếng là thời gian thuê 15 năm nhưng có lẽ cũng là suốt đời họ bởi với giá 200.000 đ/sào/năm tính ra vẫn còn lãi hơn tự cấy mà lại nhàn hạ, ung dung không lo gì giông gió.

Giai đoạn đầu anh tích tụ được 12,5ha, về sau thuê thêm 1ha nữa, đủ rộng để quây vùng, chủ động tưới tiêu, làm lệch vụ với bà con phần để tiện cách ly về thời gian cho lúa giống, phần để giảm giá thuê lao động lúc cao trào.

Với 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 1 máy gặt anh không chỉ dư sức làm hết diện tích nhà mình mà còn có thể “ôm” thêm 10-20ha nữa nếu liền vùng, liền thửa. Lãnh đạo nhiều xã hay các giám đốc hợp tác xã cứ chuẩn bị đến vụ lại gọi điện cho anh đến nóng ran cả máy, bảo rằng có ruộng bà con bỏ, mời đến cấy. Ngặt nỗi thửa hình chữ nhật, thửa hình thang, thửa hình tam giác lại nằm rải rác khắp các xứ đồng nên dù muốn mở mang thêm diện tích anh cũng đành bó tay…

Cái nhà kho bỗng thành tro bụi


Vết tích cái nhà kho bị đốt trụi của anh Lưỡng
“Nhà nước nên khuyến khích hỗ trợ người tích tụ đất tiền điện để bơm lấy nước, tiêu nước, một phần tiền mua máy bay phun thuốc (giá trị vài trăm triệu/cái-PV) như đang hỗ trợ với các loại máy móc nông nghiệp khác” 
Anh Trần Xuân Lưỡng
Biết đoàn khách nào đến tham quan, xã, huyện cũng thường dẫn đến mô hình của anh Lưỡng, tôi hỏi, có được hỗ trợ gì không? Anh chỉ cười buồn, ngậm ngùi: Trừ năm 2017 lúa bị bệnh lùn sọc đen mất mùa 100% tôi được hỗ trợ 12 triệu, ngoài ra không được một cái gì cả! Nước tưới hay tiêu bà con kêu một tiếng với trưởng thôn là được đáp ứng ngay, đằng này tôi phải tự túc hết. Ruộng dân cấy hợp tác xã phải mang máy bơm ra phục vụ, ruộng của tôi phải tự mua máy bơm, tự kéo điện 3 pha ra. Viết đơn xin được hỗ trợ điện cho thủy lợi huyện lại bảo về xã, xã lại bảo không nằm trong đối tượng được.

Đường giao thông nội đồng nhỏ chỉ hơn 1m nhiều đoạn sạt lở mà không ai nhòm ngó, tu bổ kể từ khi cho tôi thuê khiến ngay cả một cái xe lôi cũng không vào nổi, viết đơn gửi lên xã xin đề nghị làm mãi cũng không chấp nhận. Chỉ cách có một bờ thửa mà ruộng của dân được nhiều ưu ái còn của tôi thì không thì bất công quá…”.
Không chỉ thế, ở nông thôn không tránh khỏi hiện tượng ghen ăn, tức ở. Tối ngày 26/12/2017 kho chứa vật tư nông nghiệp và dụng cụ sản xuất của gia đình anh bỗng dưng bốc cháy, tổng thiệt hại lên đến hơn 100 triệu đồng.Theo anh, công an có về xác minh hiện trường sau đó thông báo vụ cháy không phải do chập điện mà là do có sự tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn không tìm ra thủ phạm.


Anh Lưỡng đang vận hành máy bơm nước.

Ngày 9/4/2018 công an mời anh lên để cho biết tin tạm đình chỉ điều tra.Trong lá đơn kêu cứu gửi UBND tỉnh Thái Bình, anh viết: “Là một nông dân đi đầu trong phong trào tích tụ ruộng đất và sản xuất nông nghiệp cánh đồng mẫu lớn, tôi phải vất vả đầu tư công sức và tiền của mới có được cánh đồng như ngày hôm nay và cũng để làm gương cho bà con. Nhưng bị kẻ xấu đốt cháy, làm hại gia đình, tôi không biết kêu ai…

Hiện giờ gia đình tôi rất lo sợ, nếu còn bị kẻ xấu làm hại thế này thì tôi không có thể an tâm lao động, sản xuất được vì số tiền và công bỏ ra để sản xuất 12ha ruộng quá nhiều… Các công ty tôi ký hợp đồng làm lúa giống họ cũng rất ái ngại đầu tư…

Xin quý lãnh đạo thương đến người nông dân chân lấm, tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, dầm mưa dãi nắng mà chẳng được là bao, nay lại bị thiệt hại hết này, xin giúp gia đình tôi tìm ra thủ phạm để an tâm tiếp tục sản xuất”. 

Đất đai như ... vịt đuổi đồng



Chân dung chị Lanh - người cấy nhiều lúa nhất nhì tỉnh Thái Bình

Chị Trần Thị Lanh - Trưởng thôn Giáo Nghĩa của xã Bình Minh kể, năm 2012 địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, năm 2015 các công ty bắt đầu về tận làng mở xưởng đã lác đác thấy có người chán ruộng, bỏ ruộng. Là chủ cơ sở sản xuất gạch, những ngày mùa, công nhân của chị đồng loạt xin nghỉ để về cấy bằng tay, thu hoạch cũng bằng tay, hầu hết công đoạn nặng nhọc đều bằng tay hết.

Thấy thế, chị mới sắm máy làm đất, máy gặt để làm dịch vụ, giải phóng sức lao động cho bà con. Tuy nhiên, sau mỗi một vụ, các thôn bỏ ruộng mỗi lúc một nhiều. Tiếc của chị đánh tiếng xin mượn để vỡ hoang, bà con hay tin gọi cho tơi tới. Từ 5 sào phút chốc lên 5 mẫu là quá sức của gia đình chị vì bà con bỏ ruộng mỗi mảnh một vùng, một cánh đồng...

Đầu tiên, chị thuyết phục các đồng nghiệp cùng là trưởng thôn ở trong xã rằng: “Các bác cố gắng dồn bà con đang cấy vào một chỗ tốt, còn chỗ xấu thì để em mượn, khi nào Nhà nước sờ đến thì em sẽ trả lại ruộng ngay”.

Sau đó, các trưởng thôn họp dân lại để phổ biến: “Cô Lanh muốn mượn ruộng hoang của làng ta để sản xuất nhưng ngặt nỗi toàn kiểu “xôi đỗ”, khó làm nên bà con dồn đổi ruộng tốt, ruộng gần vào một chỗ để mình cấy, còn ruộng xấu cũng dồn lại một chỗ để cô ấy cấy...”. Lời nói phải nhưng người nghe, kẻ không nên mới có những thửa ruộng “hoa báo” nằm giữa vùng canh tác của mình chị Lanh cũng đành phải chịu.

Có ruộng lớn ở 6 thôn,chị mạnh tay mua sắm máy móc với 2 máy cày, 1 máy gieo hạt, 20.000 khay mạ, 3 máy cấy 3 trong 1 vừa cấy, vừa phun, vừa bón phân, 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy sấy công suất hơn 10 tấn/mẻ... Cơ giới hóa đồng bộ giúp cho chị làm đất một lèo, cấy xong chỉ trong vài buổi.


Máy cấy xuống đồng. Chị Lanh: “Mượn ruộng chẳng khác gì chăn vịt thả đồng”

Những thửa ruộng xen kẹt của dân bên trong không còn là bạn đồng cùng các thửa ruộng của chị nữa vì bà con cấy tay chậm dẫn đến không cùng trà, khi thu hoạch cũng thế, còn sót mỗi mình chưa kịp gặt, chuột bọ thi nhau vào cắn phá. Bởi thế dần dà chủ của những thửa ruộng này cũng muốn đổi đất để ra chỗ cấy riêng của những người vẫn còn nặng nghiệp nông gia.

“Cấy lúa mà chỉ có 2 - 3ha, máy móc sẽ thường xuyên bị “đói” dẫn đến không có hiệu quả kinh tế, phải từ 10ha trở lên máy móc mới “no mồi”, sản xuất mới có nhiều lãi”.
Chị Trần Thị Lanh.
Vụ trước chị cấy 25ha, mới đây bà con gọi cho mượn thêm 2ha thành ra 27ha, thuộc vào dạng cấy nhiều nhất nhì tỉnh Thái Bình. Vẫn còn có nhiều người đánh tiếng cho mượn ruộng nhưng vì ở đó thôn chưa tổ chức dồn đổi được nên chị chưa dám gật đầu.

Khác với cách thuê ruộng của anh Lưỡng, cách mượn ruộng của chị Lanh không tốn một đồng nào dựa trên nguyên tắc cùng có lợi. Người vẫn cấy thì được ruộng gần, ruộng tốt còn người không cấy cho chị mượn ruộng được lợi là lúc cần cấy lại sẽ không phải vỡ hoang, đỡ được vài chục ngàn đồng/sào không phải đóng 4 khâu dịch vụ bắt buộc là thủy lợi nội đồng, khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật và diệt chuột nữa. Còn chị được lợi là có tới 27ha để cho máy móc thỏa sức vẫy vùng.

Ruộng lớn, với 3 khâu cơ bản nhất của nhà nông là cày, cấy và gặt tự làm bằng máy đã đỡ được cho chị Lanh khoảng 400.000 đ/sào lại thêm được cái thuận lợi mua phân gio, giống má, vật tư nông nghiệp với giá bán sỉ. Lúc trước, còn manh mún, chị cấy lúa thương phẩm, nay tích tụ được nhiều chị chuyển sang sản xuất giống. Ngoài làm cho mình, chị còn dịch vụ thêm bên ngoài khoảng 70ha nữa, tổng lãi cũng được khoảng 500-600 triệu/năm.

Tôi ra cánh đồng thôn Phương Ngải, thửa nào của chị tít tắp chẳng thấy bờ bao giống như ở trời tây còn thửa nào của dân thì nhỏ bé, thấp thoáng những ông bà già còng lưng cắm cúi. Bà Lê Thị Tám có 3 sào ruộng ở Hậu Đồng giải thích về chuyện đổi ruộng cho chị Lanh như sau: “Lúc trước, vì thửa ruộng của tôi nằm ở giữa khiến cho máy móc của cô Lanh khó di chuyển. Cô ấy dùng mạ khay, cấy máy nên tốc độ nhanh còn nhà mình mạ sân, cấy tay, tốc độ chậm, làm cái gì cũng thành sau, thành muộn nên tôi vui vẻ đổi”. Còn bà Phạm Thị Hồng kể vụ này cho chị Lanh mượn 3 sào ở khu Tiền Đồng mà chỉ cấy có 4 sào.

Rất nhiều người già đang lom khom cấy tay trên cánh đồng này chỉ để lấy gạo ăn như thế, không chỉ cho bản thân mà còn gửi chút “gạo sạch” cấp cho con cháu trên phố. Mùa đến, mùa đi, họ thêm ốm o và sẽ có lúc phải ngã xuống trong khi lớp trẻ nhất định không chịu tiếp nối nghiệp của mình.


Chị Lanh (bìa trái) đang nói chuyện với hai người đổi ruộng, cho mình mượn ruộng.

Với bình quân mỗi khẩu 1,5 sào ruộng thì để có được 27ha chị phải mượn bằng miệng của 500 người. Nhiều người cho mượn mà còn rối rít cảm ơn chị bởi không chỉ đỡ phải đóng phí cho hợp tác xã, đỡ phải làm cỏ khi cấy lại mà còn đỡ ảnh hưởng đến những người xung quanh bởi mỗi thửa ruộng hoang là một cái bẫy tự nhiên dẫn dụ chuột bọ.

Tôi hỏi chị Lanh với cách mượn ruộng này có thực sự yên tâm sản xuất, chị trả lời rằng nó không
khác gì nuôi vịt thả đồng. Đầu tư tới hơn 2 tỉ nhưng vẫn phải vất vả chạy đồng vì nay người ta cho mượn, mai lại có thể đòi. Bởi thế chị gửi gắm ước vọng Nhà nước làm sao phải tuyên truyền cho người dân rằng họ chỉ có hai con đường khi muốn từ bỏ ruộng đồng là bỏ hoang thì sẽ bị thu hồi còn muốn giữ lại thì phải tìm người cấy hộ. Làm sao để những người thuê ruộng hay mượn ruộng như chị có khoảng thời gian ít nhất 5-10 năm, có những chính sách đảm bảo cho việc tích tụ dài lâu.

Theo báo cáo năm 2018 của Thái Bình, diện tích đất đã tập trung, tích tụ theo hình thức thuê và chuyển nhượng được 1.792,8ha trong đó: Tích tụ từ 10ha trở lên: 454,96ha. Tích tụ từ 2ha đến dưới 10ha: 1.337,84ha. Chủ yếu là thuê với giá từ 60 đến 80kg thóc/sào/năm hoặc từ 300.000 đến 500.000 đồng/sào/năm, thời hạn bình quân 5 năm.
Hầu hết các mô hình tích tụ đều có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường bởi áp dụng đồng bộ được các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm được chi phí, kiểm soát được đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên diện tích đó vẫn còn quá ít và chuyện tích tụ còn nhiều bấp bênh.

[Bài VII] Đất đai chưa mang lại yên bình và giàu có cho nông dân!

Báo Nông nghiệp Việt Nam 31/07/2019, 13:55 (GMT+7)


Nước mình là nước nông nghiệp, đa số dân là nông dân nên cái gì động chạm đến nông nghiệp, nông dân trong đó có đất đai đều có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến toàn xã hội…


GS.TS.Nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên.

Đất đai là hồn cốt

Đất ngoài là tài sản đối với người Việt nó còn là quê hương, là máu thịt, là tâm linh (với mồ mả ông cha trong đó), là văn hóa, là tâm hồn… nên chúng ta mới có hai từ “đất nước” để chỉ Tổ quốc mình. Có lẽ do vậy, mà cha ông ta đã đi theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống, sẵn sàng vác dao bầu, đòn gánh, gậy gộc lên phủ huyện cướp chính quyền để mong một mảnh đất cắm dùi.

“Người cày có ruộng” đã làm nên sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần vô địch của tầng lớp cần lao. Từ người nông dân ngày hôm qua vác dao bầu, đòn gánh, gậy gộc lên phủ huyện cướp chính quyền để mong có được “mảnh đất cắm dùi” ấy thì nay không ít con cháu họ lại không thiết gì với đất nữa. Có lạ không? Không lạ! Có buồn không? Rất buồn!


Nhiều nông dân vẫn cấy lúa thủ công.

Nông thôn đang xảy ra ba hiện tượng hàng ngày có liên quan đến đất đai: Hiện tượng thứ nhất là nông dân mất đất bởi việc mở rộng các khu công nghiệp, đô thị. Việc qui hoạch đất đai hay giá đền bù giải phóng mặt bằng nói là theo pháp luật nhưng ở nhiều nơi là do ông Chủ tịch tỉnh hay thành phố quyết định, đương nhiên là phải thông qua Hội đồng nhân dân nữa. Có nơi thu hồi không được thì cưỡng chế. 
Về làng, điển hình là ngày tết, chỉ mồng hai thôi đã thấy lạnh lẽo rồi. Trước đây, tết từ ngày ông Công ông Táo cho đến rằm tháng Giêng, người lớn tất bật, vui vẻ, thanh niên, trẻ con háo hức. Người ta đánh cờ người, đấu vật, xúm quanh chiếu chèo, kéo co… Rất nhiều trò chơi xưa nay đã biến đi đâu hết. Thanh niên quê giờ có tâm lý không muốn làm ruộng vì không thấy ai làm giàu từ ruộng được, đặc biệt là nơi chỉ cấy lúa. Bởi thế phải ly hương tuy vẫn giữ ruộng bởi hai lý do: Nhỡ sau này nhà nước quy hoạch lấy vào đất của mình sẽ được cục tiền; Nhỡ sau này con cháu lên thành phố bị thất nghiệp, về làng còn chỗ nương thân.

Hiện tượng thứ hai là nông dân chán đất, không thiết tha gì với đồng ruộng nữa mà loạt bài “Hai sắc thái của ruộng hoang” do Báo NNVN đang phản ánh. Người nông dân không thiết gì đất bởi đất không nuôi nổi người, đất chưa mang lại cho họ sự yên lành và giàu có.

Nông dân hoặc chán hoặc đầu độc, bóc lột đất tối đa bằng sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học quá mức miễn để lấy được giá trị thặng dư cao hơn, không cần biết đến tương lai. Nếu đất kiệt quệ rồi thì bán, bán không ai mua thì cho thuê, không ai thuê nữa thì bỏ hoang...

Hiện tượng thứ ba là nông dân chán quê. Làng quê giờ đây tuy tiện nghi đầy đủ hơn, nhà cao cửa rộng nhiều hơn, nhiều người khá giả hơn nhưng dường như không còn yên ấm như xưa vì cây xanh thưa thớt, vắng bóng lũy tre làng, nhà cửa hình ống rồi “củ hành củ tỏi”, lai căng, trọc phú. Nếu về làng không vào dịp hội hè hay tết nhất thì chỉ gặp toàn người già với trẻ con, những ai có sức khỏe bỏ lên thành phố, khu công nghiệp… để kiếm sống.

Ngày xưa, theo như những gì được mô tả trong cuốn sách “Người nông dân Bắc Kỳ” của Gourou, một ngôi làng vùng đồng bằng sông Hồng điển hình bao giờ cũng được bao bọc bởi lũy tre, có cổng làng, có đình chùa miếu mạo, có giếng làng, có cây đa, sang nữa thì thêm bến nước...

Hồn vía của làng ẩn sau lũy tre, dưới mái đình, trên cánh đồng làng. Làng của ta bây giờ tre không còn nữa vì sợ chạm vào dây điện nên chặt đi. Những cây cổ thụ không còn nữa vì sợ bão đập ngả vào dây điện. Nhà kiểu quê xưa ngày một ít đi mà thay bằng nhà kiểu phố, hình ống, ngất ngưởng 2-3 tầng.

Tiện nghi ở nông thôn tốt hơn, tối có đèn sáng, có nước sạch, đường làng không còn lầy lội, hơn hẳn ngày xưa nhưng đời sống pha tạp kiểu phố phường, kiểu tây tầu, có cái gì đó sâu thẳm trong tâm hồn người làng đã bị xói mòn, mai một.




Nông dân cần thực quyền

Từ lâu rồi đã hình thành "thị trường" đất đai ở nông thôn, quê tôi người ta đang bán 35 - 40 triệu đồng/sào tùy vị trí. Một trong các lý do người nông dân không thiết tha với đồng ruộng có lẽ cũng vì họ chưa có thực quyền. Thân phận mảnh đất là do nhà đầu tư định đoạt. Sắp tới, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải làm rõ vấn đề này. Khi nhà nước cần đất có thể đền bù theo giá thị trường. Người nông dân cũng phải được tham gia vào quá trình quy hoạch đất đai. Như hiện nay quy hoạch thế nào hầu như là do địa phương, nhà đầu tư quyết cả.

Ngoài ra tôi còn nghe bà con nhiều làng quê phàn nàn, là ở thành phố khi có bất cứ chuyện gì như ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, điện đường trường trạm đều là nhà nước làm hết, làm tận ngõ, vào tận nhà. Nhưng ở nông thôn lại khác. Động tí gì đến môi trường, đến điện đóm, đến đường thôn ngõ xóm, họ cũng phải lo đóng góp, phải lo thực hiện “xã hội hóa”.Gọi là xã hội hóa nhưng thực tế là kêu gọi nông dân đóng góp bằng thu nhập ít ỏi của họ. Trong khi vẫn con người ấy nếu ra thành phố thì họ không phải đóng góp gì cả, đã có nhà nước lo.Khi nông dân cảm thấy không có thực quyền, cảm thấy bất an, vì có thể vào một ngày đẹp trời mảnh đất ấy không phải đất của họ nữa. Có lẽ vì thế nên họ không chăm chút đất, nên bóc lột đất đai chăng? Bây giờ nếu trả lại cho họ tất cả các giá trị thực ấy, tôi tin là người nông dân sẽ yêu quý đất.

Một ý tôi muốn nhấn mạnh nữa là đất công. Ngày xưa các cụ ở ta có công điền, công thổ. Làng nào, tổng nào, xã nào bao giờ cũng có đất công điền (ruộng công), công thổ (đất ở công) với một tỷ lệ khoảng 20-30%. Ngay nước Mỹ phát triển như thế vẫn giữ đất công khoảng 40%. Nhưng chúng ta bây giờ diện tích đất công theo thống kê chỉ còn khoảng 5%. Tháng trước, tôi có đi tỉnh Điện Biên, thấy đồng bào định cư ở đây theo chương trình di dân lòng hồ thủy điện phá rừng làm nương rẫy dữ quá. Hỏi ra mới biết, có cam kết với đồng bào rằng đến nơi ở mới có điều kiện sinh sống và canh tác tốt hơn nơi ở cũ, mỗi gia đình được 400m2 làm nhà ở và 2ha đất canh tác. Nhưng huyện xoay xở mãi cũng không đủ 400m2 đất thổ cư cho một đầu hộ, không đủ 2ha đất luân canh rừng - rẫy và canh tác nông nghiệp vì không còn đất công nữa. Ở vùng xa xôi mà còn như vậy, thì các tỉnh đồng bằng và ven đô chắc là đất công, ruộng công còn hiếm hơn nữa… Nếu sau này cần đất để làm các công trình công cộng thì lấy đâu ra?



Học các nước cũng dùng đủa như mình

Theo tôi điều kiện của ta gần gũi với Hàn Quốc, Nhật Bản, những cư dân dùng đũa, có lẽ cũng nên học hỏi họ ít nhiều trong phát triển nông thôn. Ở Nhật có chương trình phát triển nông nghiệp dài hạn. Quá trình đi lên trở thành một nền nông nghiệp hàng đầu thế giới của họ được bắt đầu từ những thay đổi ở tầm chính sách vĩ mô sau chiến tranh thế giới lần thứ II.

Trong thập niên 70, nhiều tỉnh của Nhật Bản đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, điều đó không những đã góp phần quan trọng vào việc phát triển nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn góp phần phần phát triển chung cho kinh tế-xã hội trong nhiều thập niên của cả nước Nhật.

Bước đầu tiên là thực hiện cải cách đất nông nghiệp để cho nhà nông tự chủ (16 năm). Cơ giới hóa bằng việc đưa máy móc vào canh tác để nhà nông có nhiều thời gian tham gia nghề phụ, chế biến nông sản hay thành công nhân công nghiệp. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao (trong 30 năm).


Một trang trại trồng hoa ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc.

Từ những năm 1990, Nhật Bản luôn áp dụng “nguyên lý thị trường” trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sự hài hòa giữa đời sống nông thôn và thành thị. Từ năm 2000, quốc gia này thực hiện chính sách nông nghiệp “Takebe” hướng tới mục tiêu cung cấp lương thực ổn định. Ban hành luật pháp về an toàn thực phẩm, luật pháp về giáo dục chế độ ăn uống, bảo đảm hài hòa giữa thành thị và nông thôn, môi trường nông thôn gần gũi với tự nhiên. Việc tái cơ cấu do doanh nghiệp nông nghiệp dẫn dắt ngày càng hoạt động hiệu quả...

Giờ rất lạ, cái gì là truyền thống lại không được coi trọng mà cứ giống mới, nhập ngoại là thích, chạy theo năng suất. Nông dân ta tự bơi, tự lo mọi thứ. Hệ thống khuyến nông mới chỉ làm mỗi việc trồng cây gì, nuôi con gì kiểu trình diễn thôi chứ không kết nối được nông dân với thị trường. Người nông dân làm hôm nay không biết ngày mai sản phẩm của họ đóng gói thế nào, bán cho ai, ở đâu, giá cả ra làm sao…
Quan tâm hỗ trợ việc tạo giá trị gia tăng cho nông dân thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại. Người Nhật không có “cánh đồng mẫu lớn” qui mô hàng trăm, hàng ngàn ha mà nông dân vẫn cặm cụi trên mảnh đất không lớn của họ, lo duy trì và nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản trong các Noukyou (Nông hiệp) một hình thức liên kết các hộ liền bờ liền thửa kiểu HTX.

Nông hiệp lo tổ chức sản xuất, kết nối với doanh nghiệp, lo đầu vào, đầu ra để người nông dân có thu nhập cao nhất. Chính quyền lo chính sách để người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các nông hiệp hay của hộ nông dân.

Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật Bản làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng xuất khẩu. Ngoài phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hiện nay chính phủ Nhật còn hỗ trợ phát triển “du lịch nông nghiệp”, mục tiêu xây dựng 500 vùng nông thôn thực hiện chương trình “home stay”, người du lịch đến ở cùng nông dân vào năm 2020. Số khách du lịch gần đây đã tăng lên nhanh chóng khoảng trên 20 triệu người trong năm 2016 và dự kiến đạt 40 triệu lượt người năm 2021.

Trong chính sách nông nghiệp, quy định về các khoản trợ cấp, trợ giá của chính phủ thể hiện ở rất nhiều văn bản, các quỹ hỗ trợ được mở rộng dần tới một số lượng lớn các mặt hàng nông sản. Hay nói cách khác, các khoản hỗ trợ đóng vai trò đáng kể vào sự hình thành vốn nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào cơ hạ tầng, đất đai, môi trường. Trong đó bao gồm 3 chính sách chính thông suốt quá trình phát triển gồm: 1. Chính sách hỗ trợ nông nghiệp; 2. Chính sách cải cách pháp lý trong nông nghiệp, 3. Chính sách cải cách hành chính trong nông nghiệp.

Điều rõ nhất của quốc gia này là đã khôn khéo đầu tư cho nông nghiệp ngay từ đầu trong công cuộc phát triển đất nước, không “hi sinh” nông nghiệp, nông thôn cho công nghiệp hóa, đô thị hóa. Trí thức hóa nông thôn để làm ra những sản phẩm có giá trị cao. Họ khẳng định bằng thực tiễn nông thôn là nơi đáng sống.

Những cư dân đô thị, nhất là tầng lớp trí thức đều có xu hướng muốn quay về nông thôn để sinh sống và làm việc. Ngay cả trong lòng cố đô Kyoto, có một đêm tháng năm đang nằm tôi bỗng ngửi thấy hương thơm ngào ngạt giống hệt mùa lúa ở quê mình nên dậy đi tìm và thấy ruộng lúa…

Người Nhật rất trân trọng những sản phẩm địa phương, bản địa như bò Kobe, bò Miyazaki, giống lúa, giống cam, giống nho… đều là của Nhật. Họ bằng mọi cách để nâng cao chất lượng của chúng lên, cải tiến hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ngay từ đầu họ đã gắn nông dân với thị trường nội địa và toàn cầu rồi, làm hôm nay biết ngày mai sản phẩm được đối xử thế nào.

GS.TS NHÀ GIÁO NHÂN DÂN TRẦN ĐỨC VIÊN
Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Dương Đình Tường (ghi)


[BDNG-200719] Công ty TNHH nghiên cứu và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao Hưng Thịnh ( gọi tắt là Công ty Hưng Thịnh) là một liên doanh giữa Tập đoàn Lộc Trời và tỉnh Long An có trang trại thực nghiệm tại huyện Tân Hưng tỉnh Long An .Trong 5 năm qua từ khi thành lập ( 2014) , Công ty Hưng Thịnh luôn tìm kiếm và đưa về thực nghiệm trên đồng ruộng của mình những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm mục đích gia tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản , hạt giống , giảm chí phí , giảm giá thành , gia tăng lợi nhuận , bảo vệ môi trường sinh thái . Công ty đã mua 1 máy phun xịt trên đồng ruộng hiệu Maruyama từ Nhật Bản có công suất phun 20 ha / ngày . Máy đã hoạt động rất tốt hai năm qua . Trong quá trình hợp tác với Hưng Thịnh, các nhà khoa học Nhật Bản đã suy nghĩ, cải tiến để thỏa mãn nhu cầu sản xuất. Trên nền tảng máy kiểu cũ đã hoạt động tốt trên đồng ruộng Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Maruyama đã nâng cấp thêm tính năng gieo sạ hạt giống và bón phân, hình thành kiểu máy 3 trong 1. Máy 3 trong 1 này đã được trình diễn sáng ngày 17/7/2019 tại Hưng Thịnh. Trong ngày này, công ty Agras.VN cũng trình diễn máy bay không người lái (drone) để phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa ( Xin vui lòng xem hình và video clips )

Nguồn:
DẠY VÀ HỌC theo bài và ảnh Dương Đình Tường bài 'Hai sắc thái của ruộng hoang', báo Nông nghiệp Việt Nam; Bài Thông tin Lúa Lộc Trời của PGS TS.Dương Văn Chín (Chin Duong) 



Hoàng Kim Bài viết mới trên TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
CNM365, ngày mới nhất bấm vào đây cập nhật mỗi ngày

Video yêu thích
KimYouTube
Trở về trang chính
Hoàng KimNgọc Phương Nam  Thung dung  Dạy và học  Cây Lương thực  Dạy và Học  Tình yêu cuộc sống  Kim on LinkedIn  Kim on Facebook  Kim on Twitter