Thứ Ba, 23 tháng 9, 2008

Cần kết nối Internet cáp quang đến các trường đại học



GS. Võ Tòng Xuân

Từ một hội nghị ở New York, Giáo sư Võ Tòng Xuân, cố vấn Ban giám hiệu trường Đại học An Giang (ĐHAG) đã gởi về Toà soạn e-CHÍP bài viết sau đây, tham gia loạt bài góp ý về chủ trương kết nối Internet cáp quang đến các trường đại học, nhân năm học 2008-2009.

Công nghê thông tin truyền thông: khó, vì nhiều lẽ!

Chỉ thị 273/CNTT của Cục CNTT, Bộ GD-ĐT ra đời trong khi nhiều trường đại học và trung học trong nước ta, vì đã không chờ đợi được, phải tự tổ chức để sinh viên và học sinh của mình ít bị thiệt thòi so với quốc tế. Nhưng dù chậm, Chỉ thị 273 lại rất khó thực hiện vì hai lý do chính:

(1) Kinh phí của các trường, nhất là hệ phổ thông, sẽ không có đủ để thực hiện, cho dù được Viettel giảm cước 50% như vậy;

(2) Người quản lý và điều hành mạng, và người sử dụng mạng tại mỗi trường sẽ chưa đủ khả năng chuyên môn thực hiện các nội dung trong chỉ thị nếu không được đào tạo kỹ năng cụ thể.

Càng quan trọng hơn, những nội dung mà giáo viên, sinh viên và nhất là học sinh các lớp phổ thông, cần đọc và truy cập hiện nay rất thiếu, hầu như không có bằng tiếng Việt, kể cả những nội dung mà mạng EduNet đang có. Vì vậy, cho dù nhà trường ráng chạy tiền mua trang thiết bị hạ tầng rồi thì vẫn có thể người sử dụng không có nhiều nội dung để truy cập.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, cấp đại học tương đối có nhiều kinh phí hơn, nhưng đại bộ phận cũng bó tay không dám rớ tới công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), huống hồ gì là các trường phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao.

Khi CNTT-TT cũng như… nông nghiệp!

Tình trạng ứng dụng CNTT-TT trong hệ thống giáo dục quốc dân của ta hiện nay có thể xem tương tự như tình trạng của… nông nghiệp Việt Nam: ngày nay, nông dân mạnh ai nấy tự lo lấy thân vì Nhà nước gần như bỏ thí, ai muốn trồng cây gì thì trồng, nuôi con gì thì nuôi, chỉ đến khi có hoạn nạn thì Nhà nước lo cứu trợ chút ít. Trong lĩnh vực CNTT-TT, Nhà nước cứ để cho tính cục bộ của các Bộ, ban ngành phát triển, tự ai nấy làm; về các trường thì mạnh trường nào nấy lo.

Bộ GD-ĐT cũng có làm một số việc lẻ tẻ nhưng không mang tính hệ thống, như đã tổ chức mạng EduNet, đề xướng “công nghệ e-Learning” chẳng hạn, nhưng tác dụng vẫn rất hạn chế. Trong khi đó, Bộ Khoa học-Công nghệ thì tranh thủ kinh phí của châu Âu để lập mạng VinaREN, đã cho một số trường đại học vào tham gia để có… số liệu báo cáo với nhà tài trợ quốc tế.

Còn Bộ Bưu chính - Viễn thông (cũ), qua Tổng công ty VNPT (và Công ty VDC trực thuộc), với tư cách cơ quan độc quyền cung cấp hạ tầng CNTT-TT thì chỉ biết kinh doanh sao có lợi nhiều nhất (lấy cớ là để trả nợ vay ngân hàng; nhưng lại hậu đãi lương lậu của nhân viên và tiền thưởng các ngày lễ gấp nhiều lần hơn những cán bộ công chức nhà nước, gây ra một sự bất công rất lớn giữa những người cùng làm trong hệ thống nhà nước). Theo chân Bộ BC-VT, Công ty Viettel của Bộ Quốc Phòng cũng kinh doanh CNTT-TT, cũng đạt lãi lớn không kém.

Nhà nước còn làm ngơ!

Chúng ta biết trong thời đại CNTT-TT bùng nổ này, chỉ với một cái "click" của con chuột máy tính, khoảng cách giữa văn minh hiện đại và lạc hậu sẽ được xoá đi về mặt điều kiện tiếp cận thông tin; và những học sinh ở vùng sâu vùng xa cũng có thể nghe và học với một giáo sư tài giỏi đang giảng bài cho các học sinh ở thủ đô. Nhưng các trường và các học sinh, sinh viên Việt nam vẫn chưa được Nhà nước tạo điều kiện như thế!

Tôi nói thế không quá đáng, vì xét ra chúng ta có gần như đủ cả điều kiện để tổ chức thực hiện, chỉ thiếu tầm nhìn và quyết tâm chính trị để cho từng trường học trong nước được kết nối Internet bằng cáp quang băng thông rộng với giá thật rẻ. Tội nghiệp các trường học của ta: “Thật sự anh em kỹ thuật ở trường mình chưa ai dám mơ tới tốc độ Internet trực tiếp lên đến Megabit vì biết rằng khả năng tự thanh toán của trường mình có giới hạn.” - một cán bộ quản lý mạng của trường ĐH An Giang đã than vậy!

Các trường nước ngoài, nhất là ở Mỹ, châu Âu, và số nước châu Á như Nhật, Singapore, Thái Lan,… được trang bị đường truyền yếu nhất cũng phải 2Mbps. Đáng lẽ Nhà nước phải sáng suốt nhận thấy trước vấn đề thua thiệt của hệ thống giáo dục của nước ta về mặt CNTT-TT để kịp thời chỉ đạo tổ chức điều hành các ban ngành chuyên môn của Nhà nước cùng lo cho giáo dục của Việt Nam. Rất tiếc, Nhà nước còn làm ngơ trước nhu cầu chính đáng của các trường học trong toàn quốc.

Còn nhớ có lần tôi đã trình bày với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông còn đương chức, về vấn đề chỉ đạo cho Bộ BC-VT và các công ty cung cấp dịch vụ Internet của Bộ này nên cấp đường truyền băng thông rộng ít nhất 2Mbps, với giá thấp đặc biệt, để các trường đại học của Việt Nam không lép vế so với các trường bạn nước ngoài. Thủ tướng nói là họ không chịu, lấy lý lẽ là phải lo lấy vốn nhanh để trả nợ vay. Lúc đó, tôi cứ ngây thơ tưởng rằng Đảng và Nhà nước có quyền lực trong tay, có thể điều động nhiều mũi giáp công để thắng mọi chiến trận; không dè khi làm kinh tế thì Nhà nước lại không điều khiển nổi các ban, ngành cùng nhau tập trung đầu tư cho giáo dục.

Các văn kiện của Đảng và Nhà nước đều đưa giáo dục lên ưu tiên hàng đầu - có giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực thật tốt mới nói đến phát triển bền vững đất nước này. Nhưng cho đến nay, giáo dục của ta tiếp tục lận đận lao đao, thua xa các bè bạn năm châu vì không đủ kinh phí trả cho những lợi ích cục bộ của các ban, ngành của Nhà nước.

Bao giờ mới có VLE Việt Nam?

Về nội dung giáo dục - hợp phần quan trọng nhất trong hệ thống CNTT-TT giáo dục - chúng ta có những giáo sư, thầy cô giáo và chuyên viên tài giỏi, có thể mời tham gia soạn thảo các giáo trình, bài giảng chuẩn cho các môn học ở các cấp học. Đây là một việc trong tầm tay, nhưng phần lớn các trường chưa tổ chức được. Tại mỗi trường, các chuyên viên có thể huấn luyện cho các thầy cô và tất cả sinh viên sử dụng một phần mềm về dạy và học (hoặc môi trường dạy học ảo – virtual learning environment, thường gọi tắt là VLE).

Các trường đại học tiên tiến của Mỹ và châu Âu đã tự sáng tạo những VLE để sử dụng chung, theo dạng phần mềm mở, trong khi một số công ty phần mềm cũng phổ biến phần mềm VLE riêng, độc đáo hơn, của họ. Trên thế giới đang có khoảng 20 phần mềm dạy và học như thế (xin xem thêm chi tiết trong Wikipedia), nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là phần mềm Blackboard, một sản phẩm của Công ty Blackboard có trụ sở tại Washington, DC, đang được sử dụng ở khoảng 2.000 trường đại học của Mỹ và Canada với giá khoảng 25 USD/sinh viên/năm.

Trong mỗi trường, thầy và trò liên lạc với nhau qua phần mềm Blackboard và email. Mỗi giảng viên phụ trách môn học đều đưa giáo trình yếu lược (syllabus) của môn học mình dạy lên mạng nội bộ của trường. Các bài giảng, bài tập, bài kiểm tra, tài liệu tham khảo,... của môn học đó được soạn theo mẫu thống nhất trong phần mềm Blackboard. Sinh viên đăng ký học môn học nào, sẽ được cho mật khẩu để vào website Blackboard của môn học ấy, đọc bài giảng hướng dẫn của giảng viên trên ấy, đọc tài liệu, làm bài tập và gửi lên site ấy theo đúng lịch đã ghi. Giảng viên sẽ chấm bài trên ấy, cho điểm từng sinh viên trên trang web ấy. Nếu có bài kiểm tra làm trong lớp thì kết quả cũng được đưa lên cùng trang web Blackboard.

ĐH An Giang đã đi trước như thế nào?

Tại trường ĐH An Giang, nhóm CNTT-TT của Thư viện, do ThS Dương Quang Minh phụ trách, đã khai thác sử dụng phần mềm Claroline miễn phí của châu Âu, cũng có công dụng tương đương với phần mềm “Blackboard.” Bây giờ, Cục CNTT của Bộ mới bắt đầu phổ biến phần mềm e-Learning tương tự.

Về email, từ năm 1992, tôi đã sớm nhận ra đây là một phương tiện liên lạc tối cần của thầy và trò trong cơ sở giáo dục. Tôi đã nhờ giáo sư Andrew Speedy của Đại học Oxford (Anh), và TS Thomas Preston, một chuyên gia ngành hệ thống canh tác của Anh chỉ giúp cho trường ĐH Cần Thơ và mạng lưới các trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Huế, và Hà Nội bắt đầu dùng email. Vì lúc đó Việt Nam chưa có Internet nên chúng tôi phải dùng máy chủ email của Đại học Oxford, và tất cả địa chỉ email của chúng tôi lúc đó có đuôi “oxford.ac.uk”.

Khi thành lập ĐHAG năm 2000, tôi huy động nhóm chuyên viên trẻ, làm rất căn cơ để ứng dụng CNTTTT vào trường : dành kinh phí cho lập mạng nội bộ, hệ thống email agu.edu.vn, và thành lập thư viện điện tử.

Hệ thống email ban đầu của chúng tôi sử dụng thử phần mềm MDaemon, và vừa chuyển sang sử dụng gói phần mềm nguồn mở Squirrelmail có hiệu chỉnh lại một số nội dung và giao diện (xem tại: http://www.squirrelmail.org). Hệ thống này tuy không ổn định hoàn toàn như Gmail, nhưng bảo đảm được tính bảo mật của mạng. Ban đầu, chúng tôi đã mướn đường truyền riêng 512Kbps của VDC, và sau này có thêm hai đường ADSL, tất cả đều sử dụng kinh phí của trường (do UBND Tỉnh An Giang cấp, không chờ viện trợ của ai cả).

Về thư viện điện tử, ĐHAG đã sử dụng các loại phần mềm, lập căn cứ dữ liệu có thể có, nhất là mượn tất cả sách tham khảo mà giáo viên sử dụng trong học phần của mình để scan và đưa lên mạng nội bộ cho sinh viên tham khảo. Chúng tôi đã áp dụng phần mềm mã nguồn mở Claroline để giảng dạy (như đã nói trên đây). Đặc biệt là mỗi giảng viên đều phải viết "Giáo trình yếu lược" của học phần của mình để đưa lên mạng nội bộ cho tất cả sinh viên mình tham khảo.

Ứng dụng CNTT-TT trong giảng dạy trên lớp: nhóm chuyên viên mở lớp huấn luyện các giảng viên sử dụng PowerPoint. Học tập kinh nghiệm rất thực dụng của trường Trung học Đặng Huy Trứ (huyện Hương Trà, Huế), trường ĐHAG trang bị đầu máy CPU có ổ đọc CD và màn hình 23” trong lớp học dưới 40 sinh viên, và trang bị máy chiếu LCD trong lớp học lớn hơn. Giảng viên chỉ cần đem theo dĩa CD mình đã soạn đến lớp giảng bài.

Đề xuất trang web eLangViet để dùng Internet đưa kiến thức về nông thôn. Giai đoạn đầu, chúng tôi được UBND tỉnh An Giang yểm trợ kinh phí để đào tạo cán bộ cấp xã biết sử dụng máy tính truy cập Internet. Sau đó, Trung tâm CNTT-TT của tỉnh tiếp tục mở rộng mạng lưới nông thôn.

Tuy vậy, về phần nội dung kiến thức để cho nông thôn truy cập thì chưa làm được nhiều, vì thiếu kinh phí. Mới đây, nhờ kinh phí của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) qua môi giới của Viện Lúa IRRI (Dự án LEARN-IT), nhóm chuyên viên của ĐHAG và ĐH Cần Thơ đã cùng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, và tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã xây dựng xong website Cây lúa (www.caylua.vn).

Dự kiến thành lập mạng "Teacher Net" cho các giáo viên tốt nghiệp sư phạm, và nối mạng thư viện điện tử của ĐHAG với tất cả các trường phổ thông trong tỉnh AG bắng cáp quang. Ý tưởng này rất được các trường phổ thông hoan nghênh. Vì khi có mạng này, các trường vùng sâu vùng xa cũng hưởng được các tài liệu trong thư viện điện tử của trường đại học. Chúng tôi đã trình bày với tỉnh, nhưng vì kinh phí quá lớn, nên đến giờ chưa thực hiện.

Nhìn chung, ĐHAG thuộc nhóm trường đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng CNTT-TT, nhưng không mạnh, vì không đủ kinh phí mướn đường truyền băng thông rộng.

Nay, nếu Nhà nước yểm trợ hạ tầng CNTT-TT cho hệ thống giáo dục Việt Nam mạnh lên ngang tầm thế giới thì thầy và trò chúng tôi chắc chắn sẽ tiến rất nhanh!

VÕ TÒNG XUÂN
New York, 14/9/2008
(e-CHÍP)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=279347&ChannelID=16

Không có nhận xét nào: