Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp những câu nói bất hủ



DẠY VÀ HỌC. "Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi";"dĩ công vi thượng"; "dám đánh và biết đánh thắng"; "Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm đánh chắc, tiến chắc"; "Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!"; "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!"; "Chúng tôi đánh theo cách đánh khác, cách đánh của Việt Nam, và chúng tôi sẽ thắng"; "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình";"Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó"... Đại tướng Võ Nguyên Giáp lời vàng còn mãi với thời gian. Dưới đây là bài "Dĩ công vi thượng " của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đăng trên báo Nhân Dân và được lưu lại trong bài "Nhân cách lớn của đại tướng Võ Nguyên Giáp" đăng trên Danh nhân Việt. Kế đó là bài viết "Những câu nói bất hủ của đại tướng Võ Nguyên Giáp" của Tiêu Long đăng trên vnExpress.net



DĨ CÔNG VI THƯỢNG (*)
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

Nhân dịp Hội thảo kỷ niệm lần thứ 115 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi muốn nói một vài điều tâm niệm và kể lại một hồi ức về lời dạy của Bác đối với cán bộ, đảng viên "Dĩ công vi thượng".

Nhớ lại, cách đây hơn 60 năm, một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trong hang Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ trao cho tôi nhiệm vụ tổ chức "Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân". Hang nhỏ nằm sâu trong khe núi. Ngoài cửa hang, nơi Bác Hồ đã khắc vào đá dòng chữ 8-2-1941 là ngày Bác tới ở hang này.

Trong hang tối, không khí ẩm và lạnh. Tôi nhặt những cành củi khô nhóm một ngọn lửa sưởi ấm cho Bác. Không dám đốt lửa to, sợ ánh sáng lọt ra ngoài, lộ bí mật. Khói bốc cay xè, củi nổ tí tách. Tôi ở lại nghỉ một đêm với Bác. Nằm bên Bác trên một chiếc giường lát bằng cành cây, tôi lắng nghe tiếng Người nói nhỏ nhẹ đều đều, giọng xứ Nghệ ấm áp. Bác và tôi trò chuyện đến quá nửa đêm, bàn về vấn đề chuẩn bị phát động võ trang khởi nghĩa.

Bỗng nhiên Bác dừng lại nói một câu: "Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng". Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, lời nói ấy của Bác vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói ngắn bốn chữ như vậy thôi, mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời cho đến tận ngày nay.

Dĩ công vi thượng là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Ðảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. Dĩ công vi thượng là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về Dĩ công vi thượng.

Ðạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức mới, nó tiếp thu, kế thừa và phát triển đạo đức truyền thống của dân tộc thương nước thương nòi, tương thân tương ái, kết hợp với tinh hoa đạo đức của nhân loại và đạo đức cộng sản chủ nghĩa.

Dĩ công vi thượng là cốt cách người cách mạng. Nếu ai không làm được điều này thì không thể trở thành người cách mạng, người cán bộ, đảng viên, đoàn viên chân chính.

Trong Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện lời Bác dạy, đưa cách mạng đến thành công, kháng chiến đến thắng lợi.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, biết bao cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đang ra sức phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, thách thức, ngày đêm lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, làm cho dân giàu, nước mạnh, cảnh giác sẵn sàng chiến đấu giữ vững an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên bên cạnh đó, đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cơ hội phát triển, đang ảnh hưởng lớn đến sức mạnh lãnh đạo của Ðảng ta, đến lòng tin của nhân dân đối với Ðảng.

Dư luận về hiện tượng hối lộ chạy chức, chạy cấp đang diễn ra trong nhiều cấp, nhiều ngành. Cứ như vậy thì cán bộ ngay khi ngồi vào ghế nhậm chức đã không còn là cán bộ của Ðảng, của dân, không thể đem toàn tâm toàn ý để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Ðảng, phục vụ nhân dân. Họ trở thành kẻ cơ hội, lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng.

Tình hình tham ô ăn cắp của công, nhũng nhiễu, bòn rút của dân, lãng phí tiền bạc, phương tiện của Nhà nước, quan liêu xa rời dân vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, làm biến chất không ít cán bộ, đảng viên. Nhiều tổ chức kinh tế Nhà nước, cơ quan Nhà nước, bất chấp kỷ cương pháp luật, đã có những hành động tham ô, hối lộ, trốn thuế, lậu thuế làm thất thoát hàng tỷ, chục tỷ, trăm tỷ đồng mà tổ chức Ðảng, tổ chức Ðoàn thanh niên, tổ chức Công đoàn ở đó hầu như không biết, hoặc biết mà không dám nói, thậm chí có trường hợp lại đồng tình.

Ðó là những tội lỗi hại dân hại nước của những kẻ mang danh "cán bộ Ðảng, cán bộ Nhà nước" nhưng đã thoái hóa không còn giữ được phẩm chất cách mạng. Sự thoái hóa này làm giảm sút sức mạnh lãnh đạo của Ðảng, giảm sút sức mạnh chiến đấu của một số tổ chức Ðảng và đoàn thể, đe dọa sự tồn vong của Ðảng ta, của chế độ ta.

Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục thực hiện kiên quyết hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo Nghị quyết T.Ư 6 lần hai, đẩy mạnh việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu một cách có hiệu quả. Phải đánh thắng bằng được "giặc nội xâm", coi những tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám như Bác Hồ đã từng nói.

Ðấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đánh thắng "giặc nội xâm" phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp hàng đầu là nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng.

Ði đôi với xây, phải chống, phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, chấp hành nghiêm điều lệ Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi đảng viên bình đẳng trước Ðiều lệ Ðảng, bất kể là ai.

Phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước quần chúng, của cấp trên trước cấp dưới vì "thượng bất chính hạ tác loạn".

Bác Hồ nêu rõ: "Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Khác với tác dụng điều chỉnh hành vi của pháp luật là bắt buộc, sự hình thành và phát triển đạo đức cách mạng là trên tinh thần tự giác tự nguyện, dựa vào chính lương tâm của mỗi người và dư luận của quần chúng.

Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta hằng ngày hãy soi xét lại mình về điều Bác dạy: "Làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng", tự mình kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cơ hội, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thật thà tự phê bình và phê bình, gắn việc rèn luyện đạo đức với công tác thực tế.

Tác dụng nêu gương của người đảng viên, cán bộ có vai trò rất quan trọng. Dân ta tin Ðảng là tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, vào vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ và đảng viên.

Kỷ niệm ngày toàn thắng 30 tháng Tư, chúng ta nhớ tới biết bao đảng viên ưu tú đã một lòng vì nước vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc 10.000 ngày, không quản gian khổ hy sinh, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng.

Tại mặt trận, trước tình huống khó khăn, gay go, quyết liệt đã vang lên tiếng thét: "Các đảng viên cộng sản tiến lên!", "Ai là người theo Ðảng hãy tiến lên!". Hai tiếng đảng viên thiêng liêng và hành động tiên phong gương mẫu của đảng viên đã có sức mạnh cổ vũ đồng đội xông lên tiêu diệt kẻ thù, giành thắng lợi.

Ngày nay, sức mạnh lãnh đạo của Ðảng thể hiện ở vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ cấp càng cao thì tác dụng gương mẫu càng quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn thể, ở Trung ương và địa phương, thủ trưởng các ban, ngành, các đơn vị sản xuất và chiến đấu hãy nêu cao vai trò gương mẫu về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Cần thực hiện học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 113 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra chỉ thị: "Ðẩy mạnh nghiên cứu tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới".

Mở đầu là hàng loạt cuộc thi báo cáo viên giỏi được tổ chức trong cả nước, thu hút các tầng lớp nhân dân, từ cán bộ lão thành cách mạng đến thanh niên, sinh viên. Ðây là một sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm làm cho toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh thường nhắc nhở: "Nói đi đôi với làm".

Nhưng thực tế chưa chuyển biến được bao nhiêu. Hiện tượng nói nhiều hơn làm, nói một đường làm một nẻo còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều nơi. Cần thực hiện có hiệu quả phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh". Các lực lượng vũ trang rèn luyện xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, trung với Ðảng, trung với nước, hiếu với dân. Công an nhân dân làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy; các cháu thiếu niên, nhi đồng phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ; thanh niên và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện khẩu hiệu "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại".

Trong điều kiện mới, bên cạnh mặt tích cực của cơ chế thị trường, đang có những tác động tiêu cực làm xói mòn đạo đức, lối sống của nhân dân ta, ngay cả trong cán bộ, đảng viên, đòi hỏi Ðảng ta phải bằng mọi biện pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả. Hãy tăng cường tuyên truyền giáo dục đạt tới những hành động thực tiễn làm tỏa sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, xua tan bóng đen của chủ nghĩa cá nhân thực dụng, bè phái cơ hội, những xu hướng coi quyền lực trên hết, đồng tiền trên hết, bất chấp lương tâm, nghĩa vụ, tình nghĩa...

Một câu hỏi đang được đặt ra là: Vì sao càng chống tham nhũng nhưng tham nhũng không giảm, vẫn phát triển tinh vi hơn, diện rộng hơn, nghiêm trọng hơn, nhất là trong xây dựng cơ bản. Ðây là vấn đề cần được chúng ta nghiêm túc xem xét, đặc biệt là các cơ quan lãnh đạo, các cơ quan có trách nhiệm phải thật sự kiểm tra, nghiên cứu tìm cho rõ nguyên nhân và có biện pháp tiêu diệt.

Một trong những nguyên nhân là không dựa vào quần chúng, thiếu dân chủ. Bác Hồ đã từng nói: "Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công. Quần chúng tức là toàn thể chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan, v.v..., rồi đến toàn thể nhân dân"...

Ngày nay còn có lực lượng quan trọng là các cựu chiến binh và các bậc lão thành cách mạng. Bác còn nói: "Việc "chống" này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng".

Vì vậy, chúng ta cần phát huy sức mạnh của mọi lực lượng, bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là phải thật sự thực hiện dân chủ để cho quần chúng nhân dân có điều kiện tham gia, dám đấu tranh và đấu tranh thì được bảo vệ. Nếu không có dân chủ thực sự, không để "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", không tiếp thu nghiêm túc và chân thành những ý kiến của quần chúng thì sức mạnh của quần chúng không thể phát huy được.

Chúng ta cần khắc phục lối làm việc nhiều khi cấp trên xuống cấp dưới kiểm tra tình hình thì thường "tiền hô hậu ủng", nặng nghe báo cáo, gặp đại diện, hạn chế việc tiếp xúc lắng nghe ý kiến của dân, nên không hiểu thực chất của tình hình.

Nghiêm khắc mà nói, một thời gian khá dài, bệnh quan liêu đã và đang diễn ra trong nhiều cơ quan Ðảng và Nhà nước, đoàn thể. Ðã đến lúc chúng ta phải đấu tranh chống lại một cách quyết liệt bệnh quan liêu. Bác Hồ đã từng nói: Có bệnh tham ô, lãng phí là vì quan liêu.

Hãy làm theo lời Bác "Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân".

Cần, kiệm, liêm, chính trong tình hình nhiệm vụ mới hiện nay có ý nghĩa và nội dung mới:

Cần là có ý chí vươn lên, lao động sáng tạo cần cù, dũng cảm, tổ chức sản xuất giỏi, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có khả năng cạnh tranh cao.

Kiệm là không xa hoa, phô trương, hình thức, không làm những việc không thiết thực đối với đời sống của dân, không xây dựng những công trình kém chất lượng gây lãng phí thời gian, tiền của và sức lực của nhân dân, quý từng đồng tiền, hạt gạo của dân, quý trọng giữ gìn và sử dụng có hiệu quả tài nguyên của đất nước.

Liêm là không tham ô, hối lộ, bòn rút của công, ăn bớt của dân. Sống trong sạch, lành mạnh, quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và mọi tệ nạn, mọi sai trái khác.

Chính là quang minh chính trực, trung thực, thẳng thắn, không làm ăn gian dối, không báo cáo sai sự thật, không dối trên, lừa dưới, không bè phái, cơ hội, dám nhìn thẳng vào sự thật, công khai, minh bạch, dân chủ, biết nghiêm khắc, biết khoan dung.

Chúng ta hãy thực hiện lời dạy của Bác về đạo đức cách mạng ngay trong quá trình tiến hành Ðại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X. Toàn Ðảng ta hãy nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, bè phái, thực hiện dân chủ thực sự, lựa chọn được những đảng viên tiêu biểu có đức, có tài, dĩ công vi thượng, cần, kiệm, liêm, chính đưa vào đoàn đại biểu đi dự Ðại hội, vào các cấp ủy Ðảng, làm cho đảng ta thật sự vững mạnh, trong sạch, đảm nhiệm được sứ mệnh lịch sử mới trước Tổ quốc, trước nhân dân, đưa đất nước ta tiến lên mạnh mẽ và vững chắc trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn.

(TienPhong Online Thứ Tư, 18/05/2005, 22:51 Theo Nhân Dân)
đăng lại trên DANH NHÂN VIỆT trong bài "Nhân cách lớn của đại tướng Võ Nguyên Giáp"
(*) Bài tham dự Hội thảo kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 17/5 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

"THẾ GIỚI CÒN ĐỔI THAY NHƯNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH SẼ SỐNG MÃI"
Đại tướng Võ Nguyên Giáp



Bút tích chữ ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp trên trang bìa tác phẩm tặng cho Giáo sư Tiến sĩ Trần Thế Thông, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (ảnh:Hoàng Kim)




NHỮNG CÂU NÓI BẤT HỦ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Tiêu Long

Cuối năm 1946, khi cuộc chiến tranh với thực dân Pháp là không thể tránh khỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi Võ Nguyên Giáp, tân Bộ trưởng Quốc phòng (thay thế luật sư Phan Anh), người cũng được Chủ tịch nước ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ: "Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?". Bộ trưởng Giáp đã tự tin trả lời: "Có thể giữ được một tháng!".

Với nỗ lực của trung đoàn thủ đô và các lực lượng tự vệ và nhân dân Hà Nội, quân đội Việt Nam non trẻ đã cầm chân được quân đội Pháp tới hai tháng tại thủ đô, trước khi bí mật rút khỏi thành phố để bước vào cuộc kháng chiến kéo dài tới 9 năm.

Năm 1950, trước khi mở chiến dịch Biên giới, Võ Nguyên Giáp, khi đó đã mang quân hàm Đại tướng, đã cân nhắc việc có chọn đột phá khẩu là thị xã Cao Bằng hay không. Ông viết trong hồi ký: "Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê".

Sau khi quân đội Việt Nam đánh Đông Khê, quân Pháp từ Cao Bằng và Lạng Sơn kéo sang phản công cũng đã bị đánh bại. Hai binh đoàn Le Page và Charton bị tiêu diệt hoàn toàn, toàn bộ tuyến biên giới Việt Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập được giải phóng. Việt Nam dân chủ cộng hòa mở được cánh cửa giao lưu với các nước khối xã hội chủ nghĩa, từ đó nhận được những sự giúp đỡ to lớn để tạo dẫn tới chiến thắng Điện Biên 4 năm sau đó.

Trong chiến dịch Điện Biên, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định cực kỳ quan trọng, dẫn đến chiến thắng hoàn toàn cho quân đội Việt Nam, là chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Sau nhiều đêm thức trắng trăn trở, tại cuộc trao đổi với trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh sáng 26/1/1954, đúng ngày dự kiến mở màn chiến dịch, Tướng Giáp đã nói: "Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc'".

Sau khi nhận được sự đồng thuận của ông Vi Quốc Thanh, tại Hội nghị Đảng ủy mặt trận diễn ra sau đó, Tướng Giáp đã có câu kết luận lịch sử:

"Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới".

Về sau, trong hồi ức "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, tướng Giáp đã thổ lộ: "Ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!".

Đánh giá về quyết định lịch sử này, tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ". Còn tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: "Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm".

Đánh thắng thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng quân đội của ông không được nghỉ ngơi lâu, mà phải tiếp tục bắt tay vào cuộc chiến đấu với quân đội Mỹ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán khi tướng Giáp đến Việt Bắc báo cáo về chiến thắng Điện Biên.

Năm 1972, trong một chiến thắng vang đội khác của quân đội Việt Nam trước cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của quân đội Mỹ vào Hà Nội, được ví như một trận "Điện Biên Phủ trên không", tướng Giáp đã có chỉ thị nổi tiếng tới các đơn vị phòng không Hà Nội: "Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội".

Sau khi quân đội của tướng Giáp giành chiến thắng trên bầu trời Hà Nội, Mỹ đã phải ký hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam, tạo tiền đề cho những chiến thắng sau đó của tướng Giáp.

Trong những ngày cuối cuộc kháng chiến thứ hai của mình, Tướng Giáp đã cho đánh đi bức điện lịch sử gửi các đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, sáng 7/4/1975: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!"

Kết thúc hai cuộc chiến tranh, khi nhìn nhận lại về cuộc chiến chống Pháp và đối thủ của mình là tướng Navarre, tướng Giáp đã nói với nhà báo, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel: "Navarre là một tướng có tài, thua trận không phải là lỗi của ông ta, mà là lỗi của những người bắt đầu cuộc chiến".

Trong cuộc gặp đầu tiên với đối thủ người Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1995, tướng Giáp cũng có rất nhiều câu nói rất đáng nhớ như: "Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam", "Chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thắng ngay từ ngày đầu tiên”, hay "Từ 'lo sợ' không có trong tư duy quân sự của chúng tôi".

Đáp lại những lời ca tụng của báo chí phương Tây, ông nói: "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình".

Nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã trao cho mình cấp hàm Đại tướng và quyền Tổng chỉ huy quân đội, trong hồi ký của mình, Tướng Giáp đã viết: "Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử".

Là một nhà quân sự, nhà giáo, nhà sử học, tướng Giáp luôn quan tâm đến lịch sử và thế hệ trẻ. Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 3, khóa III năm 1996 với tư cách Chủ tịch danh dự hội, ông trăn trở: "Tôi vẫn còn có điều băn khoăn và hơn thế nữa là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng, như là giới trẻ?".

Nói về nghiệp cầm quân của mình, Tướng Giáp thổ lộ: "Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường".

Là một vị tướng trọn đời vì đất nước, vì nhân dân, khi được chúc mừng nhân dịp bước sang tuổi 100, tướng Giáp nói: "Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó".

Tiêu Long
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhung-cau-noi-bat-hu-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-2890921.html



TƯ LIỆU VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRÊN DANH NHÂN VIỆT

Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi tập hợp thành chín tư liệu đăng rãi rác trên Danh nhân Việt (http://danhnhanviet.blogspot.com) để thỉnh thoảng đọc lại.(Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, ảnh Internet)

1) Nhân cách lớn của đại tướng Võ Nguyên Giáp
2) Tướng Giáp trí tuệ bậc Thầy
3) Võ Nguyên Giáp sao sáng trời Nam
4) Võ Nguyên Giáp vị nhân tướng khuyến học
5) Võ Nguyên Giáp thiên tài quân sự
6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân dung một huyền thoại
7) Võ Nguyên Giáp đọc lại và suy ngẫm
8) Đọc lại và suy ngẫm Tết Mậu Thân 1968
9) Võ Nguyên Giáp vị tướng của lòng dân
10) Đại tướng Võ Nguyên Giáp những câu nói bất hủ

Hoàng Kim
Nguồn: http://danhnhanviet.blogspot.com/2013/10/vo-nguyen-giap-vi-tuong-cua-long-dan.html

VIDEO YÊU THÍCH


Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ


Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Tập 01 - Đường Kách Mệnh


Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tập 1 (Phần 1)


Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập 2 (phần 3)

http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn

Không có nhận xét nào: